Người khuyết tật chia sẻ cái khó khi tìm kiếm nguồn vốn để khởi nghiệp

Giáo dục - Ngày đăng : 14:44, 28/12/2020

Sáng nay, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam và tổ chức buổi "Gặp mặt đại biểu tham dự chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt".

Cần tạo ra các môi trường, hội nhóm phù hợp để người khuyết tật sinh hoạt

Chia sẻ tại buổi gặp mặt Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tiến Dũng khẳng định: "Người khuyết tật chỉ bất tiện, nhưng không bao giờ bất hạnh. 64 gương mặt hôm nay đại diện cho người khuyết tật ở tất cả các vùng miền là những đóa hoa tươi thắm trong rừng hoa của đất nước. Mong rằng Trung ương Đoàn tiếp tục quan tâm để tại các địa phương tổ chức gặp mặt những người khuyết tật để cộng đồng truyền cảm hứng cho nhau, học hỏi lẫn nhau. Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật sẽ luôn đồng hành cùng các bạn".

img_9306.jpg
Các đại biểu tham dự chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng.

Thứ trưởng Lê Tiến Dũng cũng động viên các đại biểu khuyết tật cần phải tự tin và luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, trở ngại, hướng tới khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho xã hội.

Ghi nhận những nỗ lực của các bạn thanh niên khuyết tật vươn lên trong cuộc sống Thú trưởng cho rằng: "Các bạn đã từng bước giải quyết hết sức thành công các vấn đề hòa nhập xã hội của chính mình. Đồng thời, xã hội cũng phải chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật. Chúng ta cần tạo ra các môi trường, hội nhóm phù hợp để người khuyết tật sinh hoạt, cùng nhau phát triển".

Với thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” của chương trình đã được lan tỏa đến toàn thể thanh niên Việt Nam, đến từng cơ sở Hội, trở thành một hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa, chạm đến trái tim của mọi người.

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020, sau 2 tháng phát động đã nhận được 78 hồ sơ đề cử gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Hội đồng xét chọn gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu tham gia chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 đã họp và lựa chọn ra 64 gương tiêu biểu nhất tham gia chương trình.

Các đại biểu được xét chọn tham gia chương trình hiện đang sinh sống, học tập, lao động, công tác tại tất cả các địa bàn trong cả nước từ nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa đến khu vực đô thị; thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội.

Mong có nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến với lãnh đạo Trung ương Đoàn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

img_9435.jpg
64 gương mặt hôm nay đại diện cho người khuyết tật ở tất cả các vùng miền là những đóa hoa tươi thắm trong rừng hoa của đất nước.

Theo như đại biểu Tô Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Chị có xuất phát là một đứa trẻ bình thường, nhưng khi lên 8 tôi bị vẹo cột sống, chữa chạy không khỏi và trở thành người khuyết tật. Sinh sống ở quê, mọi người có định kiến cho rằng người khuyết tật như chị là người sống phụ thuộc xã hội”.

“Vì vậy, chị Phương mong muốn có chính sách giúp người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội việc làm và hòa nhập cộng đồng, để người khuyết tật có thể khẳng định giá trị bản thân”, chị Phương nhấn mạnh.

Là một người đang điều hành một công ty lớn ở Hà Tĩnh, đại biểu Nguyễn Thị Đài Trang, Giám đốc Công ty TNHH Trang Đài chia sẻ: Chị bị một cơn sốt bại liệt khi 3 tháng tuổi. Khi đi học, chị thường nhờ bạn cõng đi học, nếu không có ai cõng, chị sẽ tự bò tới trường. Cho tới nay đầu gối của chị vẫn còn rất nhiều sẹo do tự mình cố gắng di chuyển”.

Nhờ nỗ lực, chị đã tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và hiện tại là chủ doanh nghiệp. “Người khuyết tật khởi nghiệp sẽ có những chính sách ưu tiên gì và có những hỗ trợ dài lâu như thế nào cho các doanh nghiệp đang dành”, chị Trang bày tỏ.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật phát triển kinh tế, khởi nghiệp, anh Dương Tiến Lâm - Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Đăk Nông cho rằng: "Vấn đề khó khăn đối với người khuyết tật là vốn để sản xuất, lao động. Nhiều người đi gõ cửa khắp nơi nhưng không vay được vốn. Ngân hàng cũng từ chối cho người khuyết tật vay vốn, cho dù chính bản thân người khuyết tật có khả năng làm việc, làm ra đồng tiền. Đây là khó khăn với người khuyết tật".

Đồng quan điểm với anh Tiến Lâm, anh Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam chia sẻ cảm xúc của mình vì được tham gia chương trình Toả sáng nghị lực Việt năm nay: "Bản thân là người khuyết tật nhưng tôi nhận được rất nhiều nguồn năng lượng tích cực từ những người bạn khuyết tật khác. Chúng tôi mong muốn được dạy nghề, tạo việc làm một cách bình đẳng, để tham gia lao động, kiếm tiền như tất cả những người bình thường khác".

Anh Dũng và người khuyết tật tỉnh Hà Nam đã từng đưa ra sáng kiến để người khuyết tật tự khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của người khuyết tật rất khó khăn. Bên cạnh đó, các khóa học, đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa có những phương pháp đào tạo phù hợp, đầy đủ để có được tay nghề, để cạnh tranh bình đẳng trong thị trường lao động.

"Vì vậy, tôi mong muốn rằng người khuyết tật có thể tham gia vào việc tạo khung chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và thêm vào đó là các Bộ, ban, ngành liên quan có chính sách phù hợp để người khuyết tật được đào tạo nghề bình đẳng", anh Dũng nói.

Đức Duy