Mang con chữ lên vùng cao (kỳ 2): Vượt lên những khó khăn
Giáo dục - Ngày đăng : 14:20, 28/12/2020
5 giờ sáng, khi cái lạnh còn bao trùm cả núi rừng, Triệu Tiến Linh được mẹ gọi dậy. Trong lúc chờ nồi cháo đang sôi trên bếp, Linh sắp xếp sách vở vào cặp, mặc bộ quần áo cũ, bạc màu, chuẩn bị hành trình vượt rừng đến trường.
Nhà Linh cách trường 7km đường rừng, để đến Trường Tiểu học xã Đồng Thắng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) đúng giờ, Linh phải dậy từ rất sớm. Khác với các bạn cùng trang lứa, Linh sáng nào cũng vậy ngoài chiếc cặp đựng đầy sách vở dụng cụ học tập, trên tay còn xách thêm một cặp lồng cơm. Đó là phần cơm buổi trưa mà mẹ Linh chuẩn bị cho em để ở lại trường ăn cùng thầy cô, chiều về học tiếp.
Theo như chia sẻ của cô Vũ Thị Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đồng Thắng, Linh là học sinh ở xa trường nhất, gia đình lại khó khăn nên thầy cô bàn với bố mẹ em chuẩn bị cơm, buổi trưa Linh vào nhà công vụ của trường ăn cơm cùng các thầy cô.
Đó cũng là giải pháp mà nhiều năm nay Trường Tiểu học xã Đồng Thắng đưa ra giúp những học sinh nhà ở xa hay những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể an tâm đến trường, hạn chế nguy cơ bỏ học giữa chừng.
Hằng ngày, cặp lồng của Linh ngoài cơm, thức ăn chỉ là vài con cá suối, không thì ít lạc rang. Hôm sang nhất là được miếng thịt nửa nạc nữa mỡ. Thấy vậy, thầy cô lại chia phần thức ăn của mình cho Linh.
Ngày mới đến trường, Linh rất ít nói, khép mình, tiếp thu bài chậm hơn các bạn trong lớp. Để Linh có thể theo kịp các bạn, sau mỗi buổi trưa, cô giáo chủ nhiệm hay thầy cô trong trường dành 30-40 phút phụ đạo cho em.
Mẹ Linh là chị Đặng Thị Phương xúc động kể lại: “Vì nhà nghèo quá, nếu cứ ngày nào cũng 4 lần đưa con đến trường thì không ai làm nương nuôi gia đình. Nên khi nhà trường đề xuất cho con ở lại buổi trưa, thầy cô sẽ thay nhau chăm sóc Linh hộ gia đình, thì tôi mừng lắm”.
Nói xong, hai hàng nước mắt của người mẹ nghèo lăn dài trên má, chị tâm sự thêm: “Mình chỉ mong con được đi học, sau này có cái chữ thi bằng lái xe máy hay làm gì cũng đỡ vất vả hơn mình. Đời mình nghèo, không muốn con cũng nghèo như mình”.
Cũng tại xã nghèo Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, nếu các giáo viên tiểu học tình nguyện thay gia đình chăm sóc, kèm cặp học sinh vào mỗi buổi trưa thì giáo viên mầm non đang công tác tại đây cũng có những hành động rất ý nghĩa. Khác với những ngôi trường ở vùng xuôi, nhìn từ xa, Trường Mầm non xã Đồng Thắng được bao quanh màu xanh. Màu xanh đó là nhờ đôi bàn tay cần mẫn của những người thầy, người cô nơi đây sau mỗi ngày lên lớp các thầy cô lại bỏ phấn xuống, cùng nhau cầm cuốc, cầm xẻng, cầm xô tiến hành tăng gia sản xuất.
“Đó như là một công việc mà không thể thiếu được hằng ngày của chúng tôi” - cô Hán Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đồng Thắng chia sẻ.
Đồng Thắng là một xã miền núi vùng ba đặc biệt khó khăn, để cải thiện bữa ăn cho học sinh của mình, giáo viên hai trường Mầm non và Tiểu học đã cùng nhau cải tạo các mô đất trống quanh trường tăng gia sản xuất.
“Một phần ý tưởng trồng rau được đưa ra xuất phát từ nhu cầu thực tế. Những ngày mưa to, đường từ trường đi ra chợ sạt lở, cây cối đổ chắn ngang đường xe không thể đi qua. Nếu không có nguồn rau xanh tự sản xuất thì xem như bữa đó các con không có rau ăn”, cô Phượng kể.
Thế rồi, cứ mỗi chiều đến sau khi kết thúc ngày lên lớp, các thầy cô cùng nhau san những mô đất cao xuống, tạo thành các luống để trồng. Đến thời điểm này, nhà trường đã chủ động được rau sạch cho học sinh.
Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, vườn rau của giáo viên Trường Mầm non xã Đồng Thắng và Trường Tiểu học xã Đồng Thắng cũng là nơi phục vụ các tiết học thực tế, hay thực hiện các hoạt động trải nghiệm cho học sinh hai trường.
“Trong các giờ tự chọn, chúng tôi cũng có thể dạy các con kiến thức về chăm sóc cây, làm vườn. Đồng thời, chúng tôi có làm thêm vườn thuốc nam để dạy học sinh công dụng của các loại cây, loại lá thuốc trong rừng có chức năng chữa bệnh như thế nào”, cô Minh chia sẻ.
Do điều kiện khó khăn, giáo viên hai Trường Tiểu học và Mầm non của xã Đồng Thắng phải đi mượn dãy nhà cũ của Ủy ban nhân dân xã Đồng Thắng làm phòng làm việc, nhưng những ý tưởng xây dựng mô hình học tập hay các hoạt động trải nghiệm thực tế… không ngừng được hình thành và nhân rộng, tất cả vì học sinh thân yêu.
Nội dung: Ngô Chuyên
Thiết kế: Nguyễn Dương