Hoàn thiện chính sách người có công, không để ai bị bỏ lại phía sau

Kinh tế - Ngày đăng : 12:19, 21/12/2020

Ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi Bác Hồ lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh-Liệt sỹ. Trong suốt 73 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công đã không ngừng được hoàn thiện và được thực hiện đồng bộ để đảm bảo người có công có một cuộc sống tốt và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nâng mức sống của người có công bằng cư dân địa phương

Những năm qua, công tác chăm lo người có công (NCC) được thực hiện khá tốt, nhưng thực tế vẫn còn một bộ phận NCC thuộc diện hộ nghèo. Cuối năm 2018, Bộ LĐTBXH đã tiến hành khảo sát và rà soát ở các địa phương, hiện nhiều địa phương còn hộ nghèo có thành viên là NCC với cách mạng. Cụ thể, còn khoảng hơn 10 tỉnh có NCC thuộc hộ nghèo. Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐTBXH đã yêu cầu địa phương triển khai rà soát và xem xét từng hoàn cảnh, điều kiện của hộ nghèo có thành viên là NCC để xem những người đó thuộc đối tượng nào trong diện 12 đối tượng NCC để có cách hỗ trợ kịp thời, chính xác.

anh-1-ptt-truong-hoa-binh.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tượng trưng 5 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng

Khi có kết quả phân tích, yêu cầu địa phương tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo cho NCC với cách mạng. Về lâu dài, ngoài việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng năm, Bộ LĐTBXH cũng đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi NCC. Bộ LĐTBXH đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo sửa đổi Pháp lệnh NCC sửa đổi. 

Một trong những mục tiêu mà dự thảo Pháp lệnh sửa đổi đặt ra là phải nâng mức sống của NCC với cách mạng lên bằng hoặc cao hơn với mức sống của cư dân nơi NCC đang sinh sống.

anh-2-bo-truong-dao-ngoc-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung ân cần hỏi thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại chương trình “Gặp mặt đại biểu bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020”

Ngoài vấn đề chăm sóc, chương trình xây dựng, sửa chữa nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ cũng đang được thực hiện có hiệu quả. Cơ quan chủ trì chương trình này là Bộ Xây dựng, Bộ LĐTBXH và các bộ, ngành liên quan là các cơ quan phối hợp. Tính đến hết tháng 7/2020, về cơ bản chương trình đã hoàn thành 90% khối lượng. Ngoài chương trình theo Quyết định 22, nhiều địa phương còn huy động các nguồn lực xã hội hóa chủ động sửa chữa nhà cho NCC. Nhiều nhà được đầu tư xã hội hóa, có kinh phí hỗ trợ rất cao, lên tới 60-70 triệu đồng/nhà, cao hơn cả mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Quyết định 22.

Ưu tiên giải quyết hồ sơ tồn đọng

Xác định liệt sĩ còn thiếu thông tin là nỗi trăn trở lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân và người thân của các liệt sĩ, Bộ LĐTBXH cũng quyết tâm phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, chiến tranh qua đã lâu, nhiều hài cốt đã không còn dấu hiệu nhận dạng, vì thế việc xác định thông tin rất khó khăn.

Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), qua công tác kết hợp triển khai cùng Tổng Công ty Bưu điện VN về việc tập hợp dữ liệu về bia mộ liệt sĩ để xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, bộ phận chuyên môn đã thống kê còn hơn 51.000 bia mộ có ghi “vô danh”. Đây là số bia mộ thống kê trong số hơn 835.207 mộ liệt sĩ được thu thập vào ngân hàng dữ liệu điện tử của năm 2018. Con số 835.207 mộ liệt sĩ như trên chiếm tỷ lệ 95% tổng số cơ sở dữ liệu về mộ liệt sĩ do Bộ LĐ-TB&XH đang quản lý.

Để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, ngành LĐTBXH cũng phối hợp các tổ chức hội, các đoàn thể, tổ chức các chương trình "Đi tìm đồng đội" xác định thông tin.

anh-3-nghia-trang-liet-si.jpg
Ngành LĐTBXH phối hợp các tổ chức, hội, đoàn thể, tổ chức các chương trình "Đi tìm đồng đội" xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Mặt khác để tìm kiếm thông tin liệt sĩ, các bộ ngành cũng đang đẩy mạnh việc giám định ADN. Chương trình đã lấy mẫu sinh phẩm của hài cốt và lấy mẫu của người thân để sau này đối chứng. Kết quả thực hiện thời gian qua cũng khả quan, nhưng vẫn còn chậm.

Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, thời gian cũng đã lùi xa khiến cho việc tìm kiếm, xác minh hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn. Nhiều liệt sĩ hy sinh ở những vùng đất gian khó, những vùng đất ngập nước, vùng núi... hài cốt không còn nguyên vẹn nên việc tìm kiếm, xác định danh tính gặp nhiều trở ngại, các mẫu hài cốt lấy cũng không đạt yêu cầu.

Mặc dù vậy, Bộ LĐTBXH cùng các bộ, ban, ngành liên quan vẫn luôn nỗ lực, chỉ cần có một tia hy vọng vẫn sẵn sàng vào cuộc với hy vọng sẽ xác định được danh tính cho các liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn và thẩm định, phấn đấu đến hết năm 2020 giải quyết căn bản hồ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng. Từ năm 2021 trở đi, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục có những điều chỉnh với hồ sơ vướng mắc.


Lê Hương