Hội thảo Quốc gia “Tiến bộ trong xạ trị ung thư”
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:49, 28/11/2020
Tham dự Hội thảo có: GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện; PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K; ThS. Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện, đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của gần 500 nhà khoa học và các chuyên gia quốc tế cùng đông đảo đội ngũ cán bộ y tế đầu ngành về lĩnh vực ung thư.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sĩ, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình, sự hỗ tích cực từ xã hội, cộng đồng.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Bên cạnh những thành tựu, chuyên ngành ung thư của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn nên việc điều trị ngày càng khó khăn và tốn kém (khoảng trên 70%)... Xạ trị là một trong ba phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến điều trị giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại theo ước tính trong điều trị ung thư nói chung, xạ trị đóng góp khoảng xấp xỉ 50%...
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đánh giá cao Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện K đã có sáng kiến và phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo tạo cơ hội học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực xạ trị ung thư và định hướng phát triển chuyên ngành xạ trị trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng đề nghị Hội Ung thư Việt Nam và bệnh viện K cùng các đại biểu bàn luận một số nội dung sau:
Một là, Bệnh viện K, các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo nên các diễn đàn, đoàn kết, thống nhất về các quan điểm, phương pháp xạ trị nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân. Kết nối giữa các khoa Xạ trong các bệnh viện cũng như phối kết hợp với các trung tâm, khoa, bộ phận xạ trị của các bệnh viện, trung tâm, khoa xạ trong cả nước.
Hai là, Bệnh viện K, các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam hoàn thiện chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, chuẩn hóa các phác đồ điều trị chuyên ngành ung thư, đặc biệt là lĩnh vực Xạ trị cho các đối tượng bác sĩ, Kỹ sư, kỹ thuật viên. Cần tích cực bám sát, theo sự hướng dẫn của Cục khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế. Cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo đã được nâng cấp, cần tranh thủ tận dụng cơ hội này để tổ chức các hội thảo khoa học, các khóa đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng.
Ba là, Bệnh viện K, các bệnh viện cần phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều bệnh viện, tổ chức, hội chuyên khoa và Trung tâm ung bướu quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong xạ trị, nâng cao chất lượng chuyên môn cho khối Xạ, ngoài ra còn nâng cấp các trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác điều trị, như hệ thống Proton, Ion nặng…
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các đồng nghiệp trong nước cùng các chuyên gia quốc tế cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như cùng nhau cập nhật những kiến thức mới nhất về xạ trị của thế giới với hy vọng góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn, tạo sự đoàn kết, tìm tiếng nói chung cho chuyên ngành xạ trị ung thư để đóng góp phần nhiều hơn nữa trong công tác phòng chống ung thư.
Tại Hội thảo các đại biểu cũng thảo luận nội dung các chuyên đề về cập nhật những tiến bộ về xạ trị ung thư, hóa xạ trị đồng thời, kiểm soát chất lượng công tác xạ trị, triển vọng và định hướng phát triển chuyên ngành xạ trị trong tương lai.