Xã bán đất trái phép, người dân… hầu tòa
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 08:44, 10/09/2019
TAND TP Hà Nội vừa tiến hành phiên xử phúc thẩm vụ án bà Triệu Hồng Cẩm (SN 1964, trú ở phường 5, quận Phú Nhuận, TP HCM) khởi kiện bà Lê Hồng Phong (SN 1951, trú phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) đề nghị tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng và chủ sử dụng đất hợp pháp, đồng thời buộc bị đơn cùng các hộ dân liên quan phải trả 200m2 đất. Bà Cẩm ủy quyền cho ông Tạ Dương Tùng (SN 1964, ở quận Đống Đa, Hà Nội) tham gia tố tụng.
Hình ảnh người dân đưa nhau ra tòa tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua
Quyết định của huyện bị “phớt lờ”
Cụ thể, đơn khởi kiện của bà Triệu Hồng Cẩm thể hiện, thửa đất 110, tờ bản đồ số 9A, diện tích 200m2, theo bản đồ địa chính năm 1993 là thửa 108, tờ bản đồ 53, tại tổ dân phố số 4, phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) có nguồn gốc do UBND xã Ngọc Thụy bán cho bà Lê Thị Hướng (SN 1950, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào năm 1993 với giá 20 triệu đồng.
Tháng 6/1994, bà Hướng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất này cho bà Cẩm và được Chủ tịch UBND xã Ngọc Thụy (khi đó) xác nhận. Năm 2007, bà Cẩm nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất 110, tờ bản đồ số 9A nhưng UBND phường Ngọc Thụy ra thông báo chưa được cấp “sổ đỏ”.
Tháng 6/2015, bà Cẩm tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” đối với thửa đất trên và lại nhận được thông báo: Thửa đất bà Cẩm đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ trùng với vị trí thửa đất mà UBND quận Long Biên đã cấp cho gia đình bà Lê Hồng Phong và một phần cấp cho gia đình bà Lê Hồng Lưu (em gái bà Phong).
Từ sự nhập nhằng đó, bà Cẩm đề nghị Tòa án quận Long Biên buộc gia đình bà Phong, bà Lưu cùng một số hộ liên quan phải phá bỏ các công trình xây dựng và trả cho nguyên đơn 200m2 đất, tại thửa 110, tờ bản đồ 9A, phường Ngọc Thụy.
Quá trình giải quyết vụ án, đại diện UBND phường Ngọc Thụy cho biết, 200m2 đất đang tranh chấp là do UBND xã Ngọc Thụy bán cho bà Hướng năm 1993 thể hiện bằng phiếu thu tiền ngày 8-11-1993. Năm 1994, bà Hướng bán lại cho bà Cẩm và được Chủ tịch UBND xã Ngọc Thụy xác nhận.
Tham gia tố tụng với tư cách liên quan, đại diện UBND quận Long Biên cũng khẳng định, UBND xã Ngọc Thụy thời điểm đó đã giao đất trái thẩm quyền cho bà Hướng.
Cùng quan điểm với UBND quận Long Biên, luật sư của bị đơn còn chỉ rõ việc xã Ngọc Thụy bán đất cho bà Hướng là vi phạm Luật Đất đai năm 1987 cũng như toàn bộ hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay. Bởi pháp luật chưa khi nào cho phép chính quyền cấp xã được giao đất hoặc bán đất cho các tổ chức, cá nhân, thẩm quyền ấy thuộc về cấp huyện.
Chính vì lý do này và trước các sai phạm rất nghiêm trọng về đất đai của một số lãnh đạo chính quyền cơ sở thời kỳ này nên hàng loạt cá nhân, trong đó có cựu Chủ tịch UBND xã Ngọc Thụy đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt các mức án tù nghiêm khắc.
Và để khắc phục tình trạng chính quyền xã bán, giao đất đất “bậy bạ”, ngày 6/10/1994, UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 361/QĐ-UB về việc: "Thu hồi diện tích đất cấp không đúng thẩm quyền và mua bán đất trái pháp luật tại các khu vực thuộc xã Ngọc Thụy".
Quyết định này cũng nêu rõ: "Hủy bỏ toàn bộ các văn bản cấp đất, giao đất không đúng thẩm quyền của UBND xã Ngọc Thụy từ năm 1988 đến nay"... Tuy nhiên, Quyết định 361/QĐ-UB của UBND huyện Gia Lâm thực tế là vô tác dụng đối với phần đất mà UBND xã Ngọc Thụy bán, giao trái phép cho bà Lê Thị Hướng.
Vị trí đất nhập nhèm gây tranh cãi
Tại phiên tòa phúc thẩm cũng như trước đó, đại diện nguyên đơn, ông Tạ Dương Tùng cho rằng việc mua bán đất giữa bà Hướng và bà Cẩm là hợp lệ, hợp pháp. Còn việc UBND xã Ngọc Thụy bán đất cho bà Hướng như thế nào, đó là vấn đề do “lịch sử” để lại và do trình độ, nhận thức của cán bộ chính quyền địa phương.
Theo ông Tùng, sau khi nhận chuyển nhượng đất từ bà Hướng, bà Cẩm sử dụng ổn định và không phát sinh tranh chấp gì cho đến năm 2015. Giải thích về việc vị trí (địa chỉ) thửa đất ghi tại các giấy tờ liên quan có trong hồ sơ vụ án không đồng nhất với vị trí đất thực tế mà nguyên đơn đề nghị được công nhận quyền sử dụng, ông Tùng cho rằng trách nhiệm thuộc về cán bộ thu thuế đất và địa chính xã Ngọc Thụy.
Trái với trình bày của ông Tùng, bà Phong, bà Lưu và các hộ gia đình liên quan khẳng định toàn bộ diện tích đất mà họ đang sử dụng là do bố mẹ họ để lại. Nguồn gốc đất có từ năm 1954, khi đó bố mẹ bà Phong vỡ hoang từ địa chủ Phán Đế. Hơn 60 năm qua, gia đình bị đơn, hộ liên quan không hề tranh chấp với ai.
Năm 2011, bà Phong, bà Lưu làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ”, phường xác nhận nguồn gốc đất rõ ràng nên được UBND quận Long Biên cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Bà Phong cho rằng các công trình trên đất đã tồn tại hàng chục năm, do đó nếu năm 2007 bà Cẩm về vị trí thửa đất này để làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ” thì chắc chắn các bên đã phát sinh khúc mắc.
Tương tự, hồ sơ vụ án thể hiện, tại biên bản hòa giải có mặt đầy đủ các bên vào năm 2016, tổ dân phố số 4 xác nhận: “Từ năm 2005 đến nay chưa từng thấy bà Triệu Hồng Cẩm quản lý, sử dụng thửa đất 110, tờ bản đồ số 9A. Bà Triệu Hồng Cẩm không hề khai đóng thuế đất. Bà Lê Hồng Phong, Lê Hồng Lưu kê khai, đóng thuế đất hàng năm và không nhận được kiến nghị nào”.
Bên cạnh đó, hồ sơ vụ án cho thấy biên lai thu tiền bán đất trái phép của UBND xã Ngọc Thụy (năm 1993) chỉ ghi là: "Lê Thị Hướng... nộp tiền đất hồ Trung Hà DT 200m2. Số tiền 20.000.000 đồng". Ngoài tờ phiếu thu đó ra không có bất cứ văn bản nào xác định vị trí, ranh giới thửa đất bà Hướng được cấp. Trong khi đó, bị đơn và những hộ dân liên quan khẳng định, diện tích đất họ sử dụng từ trước tới nay là thuộc hồ Phán Đế, không phải hồ Trung Hà.
Điểm đáng chú ý nữa là tại "Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất " năm 1994 của bà Hướng, vị trí thửa đất là thửa 110 tờ bản đồ 9A. Tuy nhiên, phần xác nhận của cán bộ địa chính xã lại ghi là “tờ bản đồ số 9 sổ địa chính xã như trong đơn trình bày" và được xác nhận trước 2 ngày, khi bà Hướng chính thức chuyển nhượng đất. Tiếp đến là tại các biên lai thu thuế đất của bà Cẩm đều thể hiện thửa đất của nguyên đơn thuộc tổ dân phố số 5, còn đất bà Phong, bà Lưu sử dụng là tổ dân phố số 4.
Ngoài ra, bị đơn cùng các luật sư còn cho rằng UBND xã Ngọc Thụy không có thẩm quyền xác nhận chuyển nhượng đất; tòa sơ thẩm không xem xét nguồn gốc đất của bị đơn; giao dịch giữa bà Hướng và bà Cẩm không có giá trị pháp lý và không đủ cơ sở xác định phần đất nguyên đơn đòi quyền sử dụng trùng với đất đã được UBND quận Long Biên cấp “sổ đỏ” cho bà Phong, bà Lưu...
Dù vậy, sau 1 ngày xét xử, cấp tòa phúc thẩm vẫn cơ bản giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm, khi tuyên buộc gia đình bà Lê Hồng Phong, bà Lê Hồng Lưu cùng các hộ dân liên quan phải dỡ bỏ công trình xây dựng và trả bà Triệu Hồng Cẩm 200m2 đất tại tổ 4, phường Ngọc Thụy. Căn cứ quan trọng nhất tòa đưa ra là chính quyền “thiếu sót” trong việc xác định nguồn gốc đất khi bị đơn và các hộ dân liên quan đề nghị cấp “sổ đỏ”.