Thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân"

Chính trị - Ngày đăng : 10:46, 22/12/2020

Tuyên bố được thông qua tại Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam-Ấn Độ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hoà Ấn Độ Narendra Modi đồng chủ trì, chiều 21/12.
v-a.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hoà Ấn Độ Narendra Modi đồng chủ trì Hội nghị

Cùng dự với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cùng lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công an và Công Thương.

Cùng dự với Thủ tướng Narendra Modi về phía Ấn Độ có các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Cố vấn An ninh Quốc gia, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cùng lãnh đạo và quan chức Phủ Thủ tướng, Bộ Công Thương và Bộ Dầu khí.

Tại Hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển vững chắc của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ thời gian qua, đặc biệt từ khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016; cảm ơn sự tham gia, đóng góp tích cực của Ấn Độ và cá nhân Thủ tướng Modi vào thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 17 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15 trong khuôn khổ ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch; chúc mừng Ấn Độ trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2021-2022; bày tỏ cảm kích về sự chia sẻ và hỗ trợ của Ấn Độ đối với Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả bão lũ tại các tỉnh miền Trung thời gian gần dây.

Thủ tướng Narendra Modi chúc mừng Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, duy trì phát triển kinh tế-xã hội, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ.

Hai Thủ tướng khẳng định cuộc hội đàm trực tuyến lần này thể hiện quyết tâm của hai bên vượt qua thách thức của đại dịch, tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đi vào chiều sâu trên cơ sở hữu nghị truyền thống, những gắn kết về lịch sử, văn hoá và tôn giáo, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cũng như tầm nhìn và lợi ích tương đồng giữa hai nước đối với các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai Thủ tướng đánh giá cao kết quả kỳ họp lần thứ 17 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ theo phương thức trực tuyến (8/2020) và hoan nghênh việc nhân cuộc hội đàm trực tuyến lần này, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2021-2023.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh là một trụ cột trong quan hệ song phương; nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, huấn luyện và phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Hai bên nhất trí nỗ lực sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD/năm thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại và chính sách không có lợi cho xuất nhập khẩu, tăng cường kết nối các chuỗi sản xuất, duy trì sự ổn định của các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, liên kết khởi nghiệp...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Ấn Độ tiếp tục dành cho Việt Nam các khoản viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương cũng như công tác bảo tồn di sản văn hóa, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường ủng hộ ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên Hợp Quốc khi hai nước cùng là thành viên Hội đồng Bảo an trong năm 2021, cũng như tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Sông Hằng.

Hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Kết thúc Hội đàm, hai Thủ tướng đã thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân” để định hướng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong những năm tới.

Nhân dịp này, các bộ, ngành hai nước cũng đã ký kết 7 văn kiện và công bố 3 chương trình hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hạt nhân dân sự, dầu khí, năng lượng sạch, y tế, hợp tác phát triển, bảo tồn di sản và giao lưu văn hoá.

Xuân Lan