Xây dựng Tòa án xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin
Tiêu điểm - Ngày đăng : 18:00, 21/12/2020
Hội nghị đã vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tới dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo, Thẩm phán TANDTC; nguyên lãnh đạo TAND cấp cao, cấp tỉnh nghỉ hưu trong năm 2020. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với cán bộ, công chức và người lao động Tòa án các cấp.
Bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả đã đạt được cũng như chỉ ra những nội dung công việc mà các Tòa án cần tập trung thực hiện trong thời gian tới; nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất sát với tình hình thực tiễn của các Tòa án, đã chỉ ra những định hướng cải cách không chỉ riêng đối với Tòa án mà cho cả nền tư pháp của nước nhà trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Nghị quyết của Ban cán sự Đảng TANDTC; Báo cáo tổng hợp những vấn đề rút kinh nghiệm công tác chuyên môn; tham luận, thảo luận, góp ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả công tác Toà án năm 2020, nhiệm kỳ 2016-2020 và dự thảo Chỉ thị của Chánh án TANDTC về các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021. Ban tổ chức đã vinh danh và trao tặng tại Hội nghị “Huân chương Lao động”, “Cờ thi đua của Chính phủ” cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2020.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh những thành tựu lớn của các Tòa án trong năm 2020, nhiệm kỳ 2016-2020. Trong đó nổi bật là Hệ thống Tòa án hoàn thành nhiệm vụ, đạt và vượt mức các chỉ tiêu, yêu cầu quan trọng Quốc hội giao; tổ chức xét xử thành công các vụ án tham nhũng lớn, tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao; tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống Tòa án các cấp, tổ chức bộ máy tiếp tục được hoàn thiện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ từng bước trưởng thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; hoàn thành một số mặt công tác quan trọng với chất lượng cao…
Quán triệt ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu, thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh một số phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác, trong đó đặc biệt cần nâng cao chất lượng xét xử. Bởi đây là nhiệm vụ trung tâm, cốt lõi và quan trọng nhất của Hệ thống Toà án.
Trong công tác xét xử vụ án hình sự, các Tòa án phải bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng “hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và xu hướng “dân sự hóa” các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự.
Tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, chú trọng áp dụng các biện pháp để thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.
Còn trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, đảm bảo không để án quá hạn theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án, tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật.
Đồng thời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng yêu cầu các đơn vị cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính để nâng tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn không đúng quy định của pháp luật; nâng tỷ lệ đối thoại thành các khiếu kiện hành chính. Có biện pháp tăng cường năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán được giao xét xử vụ án hành chính.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp đã đặt ra. Nghiên cứu, đề xuất những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một chiến lược cải cách tư pháp mới của Toà án nói riêng và nền tư pháp sau năm 2020 nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ động, tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực tư pháp và lĩnh vực có liên quan. Tập trung rà soát những vướng mắc trong công tác giải quyết án và tổng kết thực tiễn xét xử để kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; giải đáp vướng mắc và phát triển án lệ, nhất là pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp,… Các TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và cấp huyện cần chủ động tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử để đề xuất hướng dẫn.
Chánh án TAND các địa phương cần rà soát các công việc theo kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại đã được TANDTC ban hành trong thời gian qua để chuẩn bị thật tốt các điều kiện về cơ sở vật chất và đề nghị kiện toàn đội ngũ Hòa giải viên để kịp thời triển khai thi hành Luật đảm bảo đúng thời gian và đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Được biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời cũng là năm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi tình hình trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững.
Tất cả những sự kiện đó tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Tòa án. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng các mặt công tác đã được Toà án thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua; tiếp tục phải được đẩy mạnh ở cấp độ cao hơn, quyết liệt hơn và khẩn trương hơn; tập trung vào các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử với chủ đề hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” đang được triển khai trong toàn hệ thống nhiều năm qua.
Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho các Tòa án trong năm 2021 là rất nặng nề, rất nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Do đó, để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi Thẩm phán và từng công chức Toà án cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm; gương mẫu đi đầu trong công tác; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị đoàn kết, cùng nhau cố gắng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác đã đề ra; phấn đấu xây dựng Tòa án xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin.