Người đàn ông suy tim bị vỡ ruột thừa được cứu sống
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:53, 21/12/2020
Trước đó, nam bệnh nhân T. T. L. (48 tuổi, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có biểu hiện đau bụng vùng hố chậu, phải uống thuốc nhưng không giảm nên vào bệnh viện địa phương điều trị. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có tiền sử bệnh tim nhiều năm điều trị liên tục với chẩn đoán hở van 2 lá - rung nhĩ, suy tim độ III.
Xác định tình trạng bệnh nặng vượt khả năng chuyên môn nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc khu trú do ruột thừa vỡ -rung nhĩ -suy tim độ III. Thăm khám bệnh nhân có tình trạng suy tim nặng, phải ngồi để thở, phù 2 chân.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn với nhiều chuyên khoa với chẩn đoán: Áp xe ruột thừa/ Hở van 2 lá mức độ rất nặng-Tăng áp động mạch phổi nặng-Suy tim độ III - Rung nhĩ - Rối loạn đông máu. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Vấn đề khó nhất là nguy cơ tử vong phẫu thuật sẽ rất cao. Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực suy tim và điều chỉnh rối loạn đông máu; khi tình trạng nội khoa cho phép sẽ tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
Phẫu thuật cắt ruột thừa diễn ra trong 40 phút do Ths.Bs Nguyễn Thanh Quân –Khoa Ngoại Tổng hợp, Bs.CK2 Trần Huỳnh Đào – Trưởng Khoa Gây mê hồi sức thực hiện: gây mê nội khí quản. Tiến hành phẫu thuật nội soi với bơm áp lực ổ bụng kiểm soát mức 8mmHg. Ghi nhận khối áp xe ruột thừa kích thước 6x10 cm và được xử lý triệt để tổn thương.
Đến sáng 21/12, qua kiểm tra tình trạng bệnh nhân đã ổn định, không sốt, hết đau bụng, tình trạng suy tim đã cải thiện.
Theo Bs.CKII Trần Huỳnh Đào - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, các thuốc sử dụng trong gây mê đều có thể gây ra ức chế co bóp cơ tim và ảnh hưởng đến huyết động. Các thuốc mê dạng hơi cũng có thể gây tụt huyết áp do giãn mạch. Các tác dụng phụ này càng trở nên nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân suy tim. Vì thế, việc phẫu thuật ở bệnh nhân suy tim nặng cần được tiến hành hết sức thận trọng trên cơ sở khám, đánh giá toàn diện người bệnh, phối hợp với bác sĩ tim mạch để ổn định nhanh nhất tình trạng suy tim.
Hai yếu tố cần được kiểm soát chặt chẽ khi gây mê bệnh nhân suy tim nặng là hạn chế sử dụng thuốc mê gây ức chế cơ tim và gây giãn mạch. Ngoài ra, cần kiểm soát tốt lượng dịch truyền trong mổ vì nguy cơ dễ gây phù phổi cấp. Ở những bệnh nhân suy tim nặng, khi cần gây mê và phẫu thuật nên đến các bệnh viện có đơn vị hồi sức chuyên biệt với đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ vì nguy cơ tử vong ở nhóm này là rất cao.