Phát triển người tham gia BHXH, BHYT: Từng bước tiệm cận mục tiêu
Kinh tế - Ngày đăng : 11:12, 19/12/2020
Khó khăn trong mở rộng
Đánh giá tình hình phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2020 của BHXH Việt Nam cho thấy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, sản xuất kinh doanh của DN, nhất là về công việc và thu nhập của NLĐ. Trong tháng 3 và 4, cả nước có hơn 1,1 triệu NLĐ tạm ngừng đóng BHXH bắt buộc.
Từ tháng 5, dù dịch bệnh trong nước được kiểm soát, nhưng trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Từ tháng 6, nhiều DN hết đơn hàng hoặc ít hàng, phải cắt giảm sản xuất kinh doanh hoặc dừng hoạt động. Từ tháng 7 đến tháng 10, một số DN may mặc, giày da, công nghiệp phụ trợ... tiếp tục cắt giảm lao động. Do đó, dù đã rất nỗ lực, song dự kiến đến cuối năm, các DN chỉ tăng lại khoảng 400.000 lao động.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 70% sản phẩm của Tập đoàn được xuất khẩu; từ tháng 5, nhiều DN hết đơn hàng, hết nguyên liệu, trong khi các nước vẫn đóng cửa biên giới, khiến việc nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm đến một số nước chưa thực hiện được. Do vậy, từ tháng 6, các DN phải thu hồi sản xuất, cắt giảm lao động. Dự kiến đến hết năm, Tập đoàn cắt giảm khoảng 400.000-600.000 NLĐ (cả Tập đoàn có khoảng 4,1 triệu NLĐ).
Cùng với đó, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại khu vực miền Trung, với nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng, đã tiếp tục làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT…
Chia sẻ những khó khăn trong phát triển lao động tham gia, đại diện BHXH tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ đầu năm đến nay, số người tham gia BHXH, BHYT giảm mạnh. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, hàng sản xuất ra bị tồn kho nhiều và chi phí phát sinh tăng cao… Nhiều DN buộc phải cắt giảm lao động, tạm hoãn HĐLĐ, thậm chí phải chấm dứt HĐLĐ.
Điều này tác động trực tiếp đến số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, nhất là các DN chế biến thủy sản xuất khẩu, may mặc… NLĐ thuộc khu vực phi chính thức (lao động nghề biển, mua bán hàng rong, vé số…) cũng gặp nhiều khó khăn, bị giảm hoặc mất thu nhập nên tham gia BHXH tự nguyện cũng ít đi.
“Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, Bạc Liêu phải phát triển thêm hàng ngàn người tham gia BHXH- đây là thách thức không nhỏ đối với địa phương”- đại diện BHXH tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Bên cạnh đó, số người tham gia BHYT tại Bạc Liêu giảm nhiều và chưa đạt kế hoạch đề ra, do nhiều địa phương đã và đang tập trung xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu; nhiều xã được công nhận nông thôn mới nên nhóm đối tượng được NSNN cấp thẻ BHYT không còn được hỗ trợ tiếp. Cụ thể, nhóm hộ nghèo giảm 8.822 người; nhóm dân cư vùng bãi ngang ven biển giảm 28.566 người; nhóm hộ cận nghèo giảm 5.586 người...
Theo dự kiến, đến hết năm 2020, cả nước có 15.820.000 người tham gia BHXH (tăng 49.000 người (0,3%) so với năm 2019 và đạt khoảng 32% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, có 14.924.000 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 276.000 người so với năm 2019- tập trung chủ yếu trong khối DN (DNNN giảm 44.000 người, DN FDI giảm 281.000 người và DN NQD giảm 503.000 người).
Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện sẽ đạt 896.000 người, tăng 325.000 người (57%) so với năm 2019 do BHXH Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, như: Tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tháng hành động triển khai BHXH toàn dân; tổ chức hội nghị khách hàng; khuyến khích các đại lý thu tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện…
Quyết tâm hoàn thành
Theo chia sẻ của BHXH tỉnh Hà Tĩnh, do dịch COVID-19 nên số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn giảm. Do đó, tỉnh đã phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện để bù cho số lao động tham gia BHXH bắt buộc bị giảm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị nợ đọng BHXH chưa xử lý dứt điểm nên thời gian này, cơ quan BHXH phải tập trung thanh, kiểm tra chuyên ngành và đã thu hồi được hơn 8,4 tỷ đồng; yêu cầu truy đóng đối với 194 NLĐ với số tiền trên 169 triệu đồng; kiến nghị các đơn vị làm thủ tục đóng BHXH, BHYT cho 283 NLĐ.
Dự kiến, BHXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thanh tra chuyên ngành và kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm về đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị. Riêng quý IV/2020, thanh tra chuyên ngành đóng tại 30-40 đơn vị nợ BHXH, BHYT; kiểm tra đột xuất tại các đơn vị quản lý đối tượng...
Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, hiện BHXH các địa phương đã và đang tham mưu với Thành ủy, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác BHXH, BHYT; giao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT đối với từng địa phương (xây dựng cụ thể các nội dung, giải pháp thực hiện, giao cho các cấp, các ngành, các địa phương; đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình).
Đồng thời, cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức; gửi danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT đến đại lý thu để đôn đốc, vận động tiếp tục tham gia. Đặc biệt, các địa phương tiếp tục triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để khai thác, phát triển lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc…
Cùng với việc đa dạng các giải pháp và phát huy những kết quả đã đạt được, BHXH Việt Nam dự kiến năm 2021 đạt 16,705 triệu người tham gia BHXH (tăng 885.000 người so với năm 2020) và đạt tỷ lệ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, thấp hơn 1,5% so với chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Trong đó, gồm 15,468 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,237 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, phấn đấu đạt 88,97 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số.