Bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai không biết số tiền 725 tỉ đi về đâu, phản bác cáo trạng của VKS

Pháp đình - Ngày đăng : 16:25, 19/12/2020

Ngày 19/12, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") cùng đồng phạm bước vào phần tranh luận của nhóm tội lừa đảo đoạt chiếm tài sản.

Trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ là người bị cáo buộc chủ mưu, cầm đầu trong nhóm tội danh lừa đảo.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và mức án 13 -14 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Hệ phải chấp hành là tù chung thân.

Tại phiên xét xử sáng nay, tự bào chữa cho mình, bị cáo Đinh Ngọc Hệ gửi lời xin lỗi tới cơ quan tố tụng. Theo bị cáo, trong quá trình điều tra, bị cáo đã khai toàn bộ tài sản là của cháu bị cáo, nhưng thực chất số tài sản đó là của bị cáo.

Bị cáo Hệ cũng thừa nhận đã nói dối cơ quan điều tra rằng, bị cáo Phạm Văn Diệt tự ý mua quyền thu phí, nhưng thực tế là do Hệ chỉ đạo.

Lý giải về lời nói dối này, Hệ khai năm 2017, khi bị bắt và khởi tố, bị cáo Diệt nói "do đã điều hành toàn bộ quá trình đấu thầu nên hiểu rõ sự việc thì để Diệt nhận hộ".

uttroc-1-.jpg
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Ảnh: Phạm Ngôn

Bị cáo Hệ bác bỏ cả hai tội danh mà VKS đã truy tố. Theo bị cáo, tội danh “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn đối với người khác để trục lợi”, trong việc mua rẻ căn biệt thự của Licogi 13 là không đúng.

Theo bị cáo Hệ, bị cáo mua căn biệt thực này từ đầu năm 2013 và đến đầu năm 2014, Licogi 13 mới làm hồ sơ làm gói thầu BOT cầu Việt Trì.

“Khi đối chất với anh Phạm Văn Thăng (TGĐ điều hành Licogi 13) tôi mới biết anh Thăng làm hồ sơ gói thầu. Khi làm hợp đồng mua nhà tôi hoàn toàn không biết Licogi 13 tham gia gói thầu này”.

Về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Hệ khai đã giao hoàn toàn việc tham gia đấu thầu cho Phạm Văn Diệt.

“Chỉ đến khi khởi tố tôi mới biết có việc gian dối. Giờ số tiền này đi về đâu tôi cũng rất muốn biết (số tiền 725 tỷ đồng). Mong HĐXX xác định giúp”, Đinh Ngọc Hệ nói.

Hệ tiếp tục khẳng định không nhờ vả ông Đinh La Thăng, không nhờ vả bất cứ ai tác động để tiếp cận với đề án thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương.

Bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang khẳng định thân chủ của mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Hệ có hành vi gian dối, làm giả hồ sơ để tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Về cáo buộc này, luật sư Trang bác toàn bộ. Theo luật sư của ông Hệ thì thân chủ của mình không có ý thức chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Tại tòa, bị cáo Hệ khai mình không chỉ đạo và không biết việc làm giả hồ sơ, còn bị cáo Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh) khai không biết việc làm giả hồ sơ nhằm mục đích gì.

Bên cạnh đó, luật sư bào chữa cho ông Hệ nhấn mạnh Công ty Yên Khánh không có tác động nào đến chủ trương đấu giá, khi trúng đấu giá thì Yên Khánh đã trả đủ tiền, không chiếm đoạt của Cửu Long một đồng nào.

Ngoài ra, luật sư nhấn mạnh bản kết luận điều tra và cáo trạng cũng khẳng định số tiền 725 tỷ đồng là tiền thu phí theo hợp đồng mua bán quyền thu phí. Do đó, số tiền 725 tỷ  đồng mà Công ty Yên Khánh có bỏ ngoài sổ sách hay không thì vẫn thuộc quyền sở hữu của Công ty Yên Khánh chứ không phải tài sản của Nhà nước.

Luật sư Trang nêu Công ty Yên Khánh đã có hành vi can thiệp phần mềm để giảm doanh thu. Hành vi này là trái pháp luật, nhưng hậu quả thiệt hại này là nhân quả trong hành vi dùng công nghệ để trốn thuế tương ứng với tội trốn thuế quy định chứ không phải là khách thể của hành vi gian dối là dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo.

Từ những phân tích trên, luật sư Trang cho rằng cơ quan tố tụng cáo buộc ông Hệ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là khiên cưỡng, thiếu căn cứ, không đúng thực tế.

T.T