Loạt ngân hàng giảm lãi suất, tín dụng cuối năm vẫn ảm đạm
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 16:37, 18/12/2020
Thời điểm này, lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân tại các ngân hàng, công ty tài chính có chiều hướng giảm theo xu hướng giảm chung của mặt bằng lãi suất từ đầu năm đến nay. Đơn cử, khách hàng vay mua nhà tại Techcombank được hưởng lãi suất cho gói vay cố định 12 tháng đầu tiên từ 7,59%/năm, kỳ hạn 24 tháng ở mức khoảng 8,6%/năm. Sau thời gian cố định, lãi vay dao động từ 9,3-11%/năm.
Một số ngân hàng BIDV, Agribank, Vietcombank, VIB, TPBank, Shinhan Bank… đã tung ra các gói cho vay ưu đãi để kích cầu tín dụng tiêu dùng cuối năm. Lý do bởi không chỉ còn nhiều dư địa, mà cho vay tiêu dùng còn giúp các ngân hàng cải thiện lãi biên ròng (NIM) vốn sút giảm khá nghiêm trọng từ đầu năm.
Đáng nói, FiinGroup đưa ra nhận định, tín dụng tiêu dùng có cơ hội “hồi sinh” trong những tháng cuối năm, khi nền kinh tế ổn định hơn nhờ đại dịch tiếp tục được kiểm soát tốt và người tiêu dùng bắt đầu sắm sửa dịp cuối năm, bên cạnh nguồn cung cũng đã đa dạng hơn với sự góp mặt của nhiều cái tên mới như Mcredit, Easy Credit, Lotte Finance…
Tuy nhiên, khả năng trả nợ của khách hàng cũng bị tác động do ảnh hưởng của Covid-19 đến thu nhập. Trước tình huống này, các ngân hàng, công ty tài chính duy trì quan điểm thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp tín dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cầu tín dụng tiêu dùng khó tăng mạnh.
Trong một báo cáo công bố mới đây, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm - Moody's lo ngại về cú sốc kinh tế do Covid-19 có thể gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo Moody's, các công ty FE Credit, Home Credit và SHB Finance đều có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp - là những người dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng phân khúc này do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định…
Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng cho rằng nợ xấu trong phân khúc tài chính tiêu dùng cá nhân tăng là điều khó tránh trong bối cảnh hiện nay, khi các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.