Vụ án cao tốc TP HCM - Trung Lương: Đinh Ngọc Hệ nói gì về số tiền 725 tỷ?
Pháp đình - Ngày đăng : 17:28, 17/12/2020
Theo đó, trả lời các câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", nguyên Phó Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); về nội dung cáo trạng quy kết "ăn chặn" tiền của nhà nước, bị cáo Hệ cho rằng: "725 tỷ đó thuộc quyền sử dụng của tôi, của Công ty Yên Khánh (do Hệ thành lập), thì làm sao tôi phải chiếm đoạt. Công ty đã trúng đấu giá thì lời ăn lỗ chịu".
Trước câu trả lời của bị cáo Hệ, luật sư quay sang hỏi cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Nếu Công ty Yên Khánh đã nộp đủ tiền thu phí thì tiền doanh thu vượt quá 2.004 tỷ đồng (tiền trúng đấu giá) thuộc sở hữu của ai?".
Trước câu hỏi này, bị cáo Thăng trả lời: "Theo quy định của luật đấu giá, khi bán quyền thu phí đã thu đủ số tiền trúng đấu giá, đơn vị trúng đấu giá phải thực hiện theo quy định pháp luật. Tiền thu được thấp hơn mức đấu giá thì phải chịu, vượt thì được hưởng. Nhưng thu phải đúng theo quy định pháp luật chứ không phải muốn thu bao nhiêu thì thu".
Đối với chi tiết báo cáo doanh thu của Công ty Yên Khánh gửi cho Bộ Giao thông vận tải, cụ thể là Tổng Công ty Cửu Long (thuộc Bộ Giao thông vận tải, quản lý cao tốc Trung Lương), bị cáo Thăng nói dự án này đã giao cho các Thứ trưởng chỉ đạo. Bị cáo Thăng nói: "Hợp đồng kinh tế chi tiết và các văn bản liên quan tôi không nắm được chi tiết".
Trước đó, để làm rõ về thiệt hại trong vụ án, luật sư Trương Trọng Nghĩa (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) hỏi đại diện Bộ Tài chính về việc định giá quyền thu phí là 2.004 tỷ đồng có hợp lý không? Người này khẳng định Bộ Tài chính đã có văn bản quy định về các chỉ tiêu và đã gửi đến Bộ Giao thông vận tải. Bộ Tài chính không có thẩm quyền để đánh giá số tiền định giá đó là cao hay thấp.
Luật sư cũng đặt câu hỏi với đại diện Bộ Giao thông vận tải (được xác định tư cách bị hại của vụ án) về những thiệt hại nào đã xảy ra, yêu cầu bồi thường bao nhiêu và ai phải bồi thường. Vị đại diện này trả lời: "Đến nay chưa biết tính thiệt hại thế nào, chưa xác định được thiệt hại bao nhiêu nên chờ vào phán quyết của tòa".
Theo hồ sơ vụ án, bị án Đinh Ngọc Hệ nhiều lần nhờ ông Đinh La Thăng tác động với Tổng Công ty Cửu Long tạo điều kiện cho mình tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Do các công ty của mình không có khả năng tài chính, kinh doanh thua lỗ, Hệ chỉ đạo cấp dưới làm báo cáo tài chính khống thành có lãi để làm hồ sơ đấu giá.
Quá trình thu phí, Hệ bị cáo buộc chỉ đạo Công ty Yên Khánh mua phần mềm khác thay thế phần mềm thu phí của Bộ Giao thông vận tải trước đó để che giấu doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng tiền thu phí của nhà nước. Trong khi đó, bị cáo Đinh La Thăng bị cáo buộc đã "phớt lờ" các quy định về quản lý tài sản nhà nước, giúp Hệ giành được quyền thu phí.
Trong phần xét hỏi trước đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa, người bào chữa cho cho bị cáo Thăng đã đề cập cáo trạng quy buộc thân chủ phải chịu trách nhiệm chính về đề án bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Nói về vấn đề này, bị cáo Thăng cho biết: "Tôi đã nói đi nói lại rồi. Tôi không có trách nhiệm hình sự vì dự án đã được phân công cụ thể. Tôi chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng, một văn bản trình hội đồng bán đấu giá và một bút phê. Những ai trực tiếp thực hiện thì chịu trách nhiệm. Tôi chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu".
Theo bị cáo, là người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải ông phải chịu trách nhiệm với những vấn đề xảy ra ở Bộ, song chỉ là trách nhiệm về mặt hành chính - chính trị. Bị cáo Thăng nói: "Việc quy trách nhiệm cho tôi về mặt hình sự là rất chủ quan và áp đặt. Ví dụ, xảy ra tai nạn giao thông do rất nhiều nguyên nhân như uống rượu bia, sử dụng ma túy... thì làm sao có thể quy trách nhiệm cho tôi".