Đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Cty cổ phần Vận tải khí và hoá chất Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 17:26, 17/12/2020

"Đề nghị Hoa Kỳ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Công ty cổ phần Vận tải khí và hoá chất Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều nay (17/12), liên quan tới câu hỏi về bình luận của Việt Nam khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt Công ty cổ phần Vận tải khí và hoá chất Việt Nam vì có liên quan tới vận chuyển sản phẩm khí từ Iran, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết và xử lý nghiêm một cách thỏa đáng các trường hợp vi phạm.

Quan hệ giữa Việt Nam và Iran luôn công khai, minh bạch và hợp pháp. Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

“Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Công ty cổ phần Vận tải khí và hoá chất Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

hk.jpg
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong 25 năm qua, đặc biệt là từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại và đầu tư.

Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế-thương mại với Hoa Kỳ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao trong hoạt động thương mại giữa hai nước, cũng như các cam kết thương mại đa phương khác.

“Việt Nam cũng duy trì thương mại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Trước đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ". Tại Báo cáo, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị BTC Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Viêt Nam khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế-thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Trọng Bằng