Ông Đinh La Thăng nói gì về mối quan hệ với Đinh Ngọc Hệ?
Pháp đình - Ngày đăng : 12:41, 16/12/2020
Bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng
Theo đó, trong phần xét hỏi sáng nay, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng cáo trạng truy tố mình là suy đoán hoàn toàn của VKS, không phù hợp với hồ sơ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa. Bị cáo Thăng nói: “Cáo trạng suy diễn, quy chụp tôi, hoàn toàn không đúng”.
Theo bị cáo Thăng, cáo trạng có 6 nội dung, có tới 5 là không đúng, bị cáo Thăng thừa nhận phải chịu trách nhiệm về hành chính khi để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, trong cáo trạng quy kết ông chỉ đạo xuyên suốt, nhưng cả dự án ông chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng và một bút phê.
Bị cáo Thăng nói không phân công nhiệm vụ cho ai; không nhận văn bản của Thủ tướng; không giao cho Công ty Cửu Long bán quyền thu phí.
Về số tiền 725 tỷ, cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng thuộc về một vụ án, nên ông không chịu trách nhiệm về số tiền này.
Nói về lời khai của các bị cáo tại tòa, bị cáo Thăng cũng khẳng định có ý đúng và ý không đúng. Bị cáo Thăng nói: "Ông Trường, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói tất cả văn bản gửi cho Bộ trưởng là không đúng. Ví dụ như quyết định về giá tài sản, đơn vị trúng đấu giá, hợp đồng hai bên ký với nhau đều không gửi cho tôi”.
Bên cạnh đó, bị cáo Thăng cũng khẳng định, trong quá trình triển khai đề án bán quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, ông không phải là người chỉ đạo trực tiếp mà là 4 Thứ trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm. Bị cáo Thăng cũng phủ nhận việc gọi điện cho bị cáo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) để tác động cho công ty của Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương.
“Tại các lời khai trong hồ sơ và tại phiên tòa, cả anh Minh và Hệ đều khẳng định tôi không giới thiệu, không tác động để Hệ gặp Minh. Tháng 8/2012, Tổng công ty Cửu Long mới được giao bán đấu giá quyền thu phí thì không có lý gì tháng 2/2102 tôi lại gọi điện cho anh Minh", bị cáo Thăng nói. “Hội đồng bán đấu giá có 7 thành viên, anh Minh không có vai trò gì trong đó có. Quyền quyết định bán đấu giá của Bộ”.
Về mối quan hệ giữa mình với Đinh Ngọc Hệ, ông Thăng khẳng định giữa ông và Hệ không có mối quan hệ gì về dòng họ, kinh tế, thân tín, chỉ là quan hệ xã hội.
Theo hồ sơ vụ án, dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, ứng ngân sách Nhà nước hơn 9.800 tỷ đồng để triển khai.
Với vai trò là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương tại Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí.
Dù nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí và hiểu rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn. Tuy nhiên, sau khi được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, bị cáo Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) giới thiệu công ty của ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.
Bị cáo Nguyễn Hồng Trường nói gì?
Trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT bày tỏ sự dằn vặt khi để Nhà nước thiệt hại lớn, bị cáo Trường nói: “Bị cáo rất xót xa, bản thân bị cáo là người được giao nhiệm vụ mà để xảy ra lỗi như vậy”.
Theo lời khai của bị cáo Trường, năm 2012, ông được chuyển giao phụ trách xây dựng đề án bán quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh -Trung Lương. Sau đó, ông Trường đã chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long xây dựng đề án và bán quyền thu phí.
Theo cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc xây dựng đề án hết sức công phu, tỉ mỉ, kéo dài 1 năm rưỡi. Bị cáo liên tục tổ chức các cuộc họp, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, ra thông báo chỉ đạo cho Công ty Cửu Long và các đơn vị làm, không để xảy ra thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.
Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội
Trước đó, trong phần xét hỏi chiều qua (15/12), bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó TGĐ Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cho rằng một số vấn đề cáo trạng truy tố bị cáo không đúng; lời khai của các bị cáo Phạm Văn Diệt, Tô Ngọc Hùng, Trần Văn Mền, không đúng sự thật.
Theo bị cáo Đinh Ngọc Hệ, sau khi xem trên VTV1, bị cáo biết được Tổng công ty Cửu Long bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương – TP Hồ Chí Minh nên đã chỉ đạo bị cáo Diệt làm hồ sơ mua quyền thu phí. Bị cáo Hệ nói: “Bị cáo chỉ đạo bị cáo Diệt mua theo đúng quy định của pháp luật. Bị cáo hoàn toàn không nhờ ông Đinh La Thăng giới thiệu với ông Minh (Dương Tuấn Minh- Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) để trúng đấu giá quyền thu phí”.
Bị cáo Hệ cũng thừa nhận có yêu cầu Diệt đi cùng mình tới Tổng công ty Cửu Long để gặp bị cáo Dương Tuấn Minh, nhưng cuộc gặp đó không phải là để xin trúng đấu giá quyền thu phí.
Mục đích là vì biết Tổng công ty này có nhiều công trình nên muốn tới xem có công trình nào để Công ty Thái Sơn tham gia đấu thầu.
Bị cáo Hệ khai việc quen biết với bị cáo Minh là thông qua lãnh đạo của Tổng Công ty công trình giao thông 1. Hệ thừa nhận có chỉ đạo Diệt mua hồ sơ đấu giá, nhưng không biết để tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, phải làm những gì.
Đinh Ngọc Hệ cũng khẳng định không biết bị cáo Diệt và các thuộc cấp thực hiện hành vi gian dối, mua phần mềm xâm nhập, can thiệp vào phần mềm thu phí do Bộ GTVT quản lý để cắt giảm doanh thu thu phí, xóa dữ liệu thu phí, in lại vé thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; Không tham gia vào việc chỉ đạo sử dụng số tiền thu phí ngoài sổ sách là hơn 725 tỷ đồng.
Cũng nhằm bảo vệ cho cháu ruột là bị cáo Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh), bị cáo Hệ khẳng định Hoan chỉ là người đứng dùm tên pháp nhân cho công ty của Hệ, chứ không tham gia vào các hoạt động của công ty. Việc Diệt giao cho Hoan làm những gì bị cáo hoàn toàn không biết.