Vì sao cần xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 15:26, 14/12/2020
Theo thống kê, hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam (xét về quy mô trên tổng GDP) đang đứng thứ 4 ASEAN. Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông tin, tháng 11/2020, tổng giá trị đăng kí phát hành là 17.978 tỉ đồng, trong đó giá trị đã phát hành trong tháng là 10.625 tỉ đồng từ 16 doanh nghiệp. Kì hạn phát hành bình quân là 4,74 năm và có tới hơn 4.399 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành có kì hạn 3 năm.
Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tạo ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh nhưng cũng phát sinh những vấn đề cần khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro cho thị trường. Bởi vậy, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phát đi nhiều khuyến nghị về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Tài chính) - Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường, giúp nhà đầu tư nhận thức được tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư.
Đánh giá hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, ông Dương thừa nhận vẫn còn rất hạn chế do chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.
Nhằm thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quy định việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được trình Chính phủ ban hành theo hướng quy định các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm đi kèm lộ trình thực hiện.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, quy định mới sẽ tạo nhu cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, từng bước hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với cả trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng không thuộc trường hợp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm. Qua đó, giúp tăng cường tính minh bạch của thị trường và là căn cứ để nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư.