7 Luật vừa được công bố có gì mới?

Chính trị - Ngày đăng : 21:02, 11/12/2020

7 Luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 vừa được Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố sáng nay 11/12 dưới sự chủ trì của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà.

Luật Biên phòng Việt Nam

Theo đó, có 7 luật được công bố gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật cư trú năm 2020; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Thỏa thuận quốc tế.

hop_bao_0.jpg

Về Luật Biên phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Luật này được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước trong những năm qua.

Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ nhằm tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đồng thời, là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Thủ tục nhập hộ khẩu đã được đơn giản hóa

Luật Cư trú năm 2020 có 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Luật Cư trú năm 2020 thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú. Đáng chú ý, Luật đã bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Luật Cư trú năm 2020 bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Luật cũng quy định công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của luật này và các luật khác có liên quan. Thông tin cá nhân, hộ gia đình trong cơ sở dữ liệu về cư trú được bảo đảm bí mật, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật…

Thứ trưởng Bộ công an nhấn mạnh Luật Cư trú 2020 đã thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng mã số định danh cá nhân để truy cập điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo ông Hùng, việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính, hoặc tham gia giao dịch dân sự.

Luật cũng loại bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các thủ tục: Tách sổ hộ khẩu được thực hiện bằng việc điều chỉnh, cập nhật trường thông tin về chủ hộ, quan hệ với chủ hộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú…

Thời gian thực hiện các thủ tục này được đơn giản và rút ngắn hơn trước. Cụ thể, thời gian giải quyết đăng ký thường trú hiện là 15 ngày, sắp tới tối đa còn 7 ngày.

thu-trg-cogn-an-2.jpg


Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng tại buổi họp báo

Về tiến độ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện Bộ Công an nỗ lực phấn đấu để hoàn thành trước 1/7/2021. Lúc đó, dữ liệu có thể thay thế hết các giấy tờ liên quan. Khi cơ sở hoàn thành thì tất cả đầu mối đăng ký cư trú đều được kết nối, không kể vùng sâu, vùng xa hay thành thị, Thứ trưởng cho biết.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Tăng mức xử phạt tiền hành chính tối đa của 10 lĩnh vực

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) (gồm 3 điều; sửa đổi, bổ sung nội dung 66/142 điều, sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho hay: So với Luật XLVPHC hiện hành, Luật tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản.

Luật bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng như: kiểm ngư; Ủy ban cạnh tranh quốc gia; kiểm toán nhà nước; bổ sung 8 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Những nội dung đáng chú ý về môi trường

Một trong những luật đáng chú ý nhất tại buổi họp báo là Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Với 16 Chương, 171 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022; riêng Khoản 3, Điều 29 về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực thi hành từ 1/2/2021, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: ngoài những vấn đề nêu trên, Luật còn thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Luật có nhiều điểm đổi mới căn bản. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Luật tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 2 điều. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.

Luật bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ, chồng của người nhiễm HIV, nhằm đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng trên. y.

Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các Luật được Quốc hội ban hành gần đây. Cùng với đó, bảo đảm hội nhập quốc tế, hướng đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế và nội luật hoá các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 52 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021; thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Quốc Huy