Không đưa vào danh sách hiệp thương đối với người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 20:30, 10/12/2020
Giảm thuế nhiên liệu bay là đồng nghĩa giảm 860-960 tỷ đồng ngân sách
Theo Tờ trình của Chính phủ, đại dịch Covid-19 khiến thiệt hại của ngành hàng không rất nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Dự kiến năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm trên 40 nghìn tỷ đồng so với năm 2019 và mức lỗ hợp nhất lên đến hơn 15 nghìn tỷ đồng.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng, Chính phủ cho rằng việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay 2.100 đồng/lít (giảm 30% so với mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít) đến hết ngày 31/12/2021 là “giải pháp cần thiết”.
Chính phủ dự tính nếu tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021, tương đương giảm 990 đồng/lít (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 860-960 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập. Việc giảm thuế này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn hiện tại, phát triển trong tương lai, gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Song có ý kiến đề nghị chỉ quy định thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 30/6/2021.
Sau khi nghiên cứu tờ trình, báo cáo thẩm tra, UBTVQH đã biểu quyết thông qua nghị quyết kéo dài thời gian áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 trở đi là 3.000 đồng/lít.
Trên 50% phiếu tín nhiệm mới được hiệp thương ứng cử
Cũng trong phiên làm việc chiều 10/12, UBTVQH đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch của UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề xuất: không đưa vào danh sách để hiệp thương đối với những trường hợp người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác, nơi cư trú. Bởi qua các kỳ bầu cử, nhiều địa phương đã kiến nghị nên có quy định đối với người ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm tại hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác hoặc nơi cử trú mà không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị thì không đưa vào danh sách hiệp thương vì một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của người đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là phải được nhân dân tín nhiệm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, người ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm tại hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác hoặc nơi cử trú mà không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị thì không đưa vào danh sách hiệp thương.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không đưa vào danh sách để hiệp thương đối với những trường hợp người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác, nơi cư trú. Như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng ý kiến của cử tri cũng như bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề xuất bổ sung quy định hướng dẫn số dư người ứng cử để có thêm phương án nhân sự lựa chọn, tránh trường hợp khuyết người ứng cử khi lập danh sách chính thức. Theo đó, khoản 4 Điều 25 và khoản 2 Điều 27 dự thảo Nghị quyết quy định có tính nguyên tắc là phải có số dư lớn hơn quy định trước khi trình ra hội nghị hiệp thương lần ba.
Còn trước hội nghị hiệp thương lần hai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cân nhắc kỹ và cho rằng, không nên quy định cụ thể mà chỉ quy định có tính nguyên tắc "đảm bảo số dư cần thiết" để tăng cường tính chủ động, linh hoạt của các cấp tổ chức hiệp thương. Các cấp ủy, chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương để lập danh sách người ứng cử sao cho số dư cuối cùng trước hội nghị hiệp thương lần ba phải bảo đảm lớn hơn quy định của luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, thực tế, trong quá trình áp dụng hướng dẫn về số dư, tại một số địa phương cũng gặp một số vướng mắc vì khó tìm đủ số lượng giới thiệu ứng cử viên, nên phải tiến hành bầu tròn. Trong trường hợp tất cả những người trong danh sách ứng cử đều đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chuẩn quy định đối với ĐBQH, đại biểu HĐND thì đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ khó sàng lọc, lựa chọn, đưa những người có trình độ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, chuẩn bị cho công tác bầu cử là công việc rất hệ trọng nhằm bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Vì vậy, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử phải bảo đảm đúng Nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật và giải quyết được vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn tổ chức các kỳ bầu cử trước.
UBTVQH thống nhất giao cho Ủy ban Pháp luật phối hợp với MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ, các cơ quan tổ chức hữu quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết và trình UBTVQH trong phiên họp tới.
Phát biểu bế mạc Phiên họp 51, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là phiên họp thường kỳ cuối cùng khép lại năm 2020 đầy thử thách. Bước sang năm 2021, chúng ta có rất nhiều công việc quan trọng như chuẩn bị, tham dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng, triển khai các nội dung cho Kỳ họp thứ 11 QH khóa XIV… Vì vậy, đề nghị cần quán triệt triển khai các công việc theo đúng kế hoạch đề ra, không vì bất kỳ lý do nào khác mà sao nhãng công việc của UBTVQH.