Dân lập lán phản đối chở rác thải vào nhà máy

Môi trường - Ngày đăng : 15:41, 10/12/2020

Người dân Hòa Bình bức xúc trước việc Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Bắc Việt (Công ty Bắc Việt) gây ô nhiễm thời gian dài nên đã lập lán, ngăn đường phản đối.

Thời gian gần đây, người dân ở thôn Hải Cao, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) phải cắt cử phiên thay nhau tiến hành chặn không cho các phương tiện đưa rác vào Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Bắc Việt đóng trên địa bàn.

Theo người dân, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 7/2019 đến nay đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Xe chở rác đi về bất kể ngày đêm gây mất an ninh trật tự, nước thải thì chảy ra đường bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Kéo theo đó là ruồi nhặng, sức khỏe người dân bị giảm sút…

dan.jpg
Toàn cảnh nhà máy rác từ trên cao.

Rất nhiều lần người dân đã kéo lên trụ sở xã, làm đơn kêu cứu tới các cấp nhưng sự việc không được giải quyết dứt điểm. Niềm tin vào lực lượng chức năng ngày một giảm sút nên mấy tháng nay họ chọn “bài liều” là dựng lán, cơm nắm cơm đùm gác ở đây, khi có xe rác về thì chặn lại, không cho xe chở rác vào nhà máy.

Ông Vũ Xuân Viện (sống gần khu xử lý rác) bức xúc: “Tôi năm nay đã gần đất xa trời rồi không biết kêu cứu có thấu được nữa hay không. Kể từ khi có cái nhà máy rác này, không ngày nào mà chúng tôi có được sự bình yên. Rác thải thì họ đốt, khói bay mùi mịt, mùi rất khó chịu, người già, trẻ con hít phải thì hoa mắt, chóng mặt. Những hôm trời nồm thì ruồi bay từ bãi rác ra khu dân cư rất nhiều. Ăn cơm mà phải mắc màn như đi ngủ. Kêu mãi lên trên không được, dân chúng tôi phải chặn xe để các cấp lãnh đạo về xử lý”.

Trên thực tế, Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Bắc Việt cách khu vực dân cư xóm Hải Cao khoảng 500m, cách UBND xã hơn 1km. Phía trong có nhiều nhà xưởng với kích cỡ khác nhau, cạnh đó là hồ chứa nước màu đen, khói đốt rác mù mịt, bên ngoài ruồi, muỗi tập trung số lượng lớn, chỉ cần đứng một lúc sẽ bị chúng tấn công. 

dan3.jpg
Rác thải tồn đọng tại các tuyến đường

Gần đây nhất, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra, xác định, qua thực tế việc đào hai vị trí do người dân chỉ định đã có rác, cụ thể như sau: Tại vị trí số 1 (gần khu vực đang lưu chứa 750 tấn rác), sau khi đào phát hiện có rác thải chưa xử lý, diện tích khu vực ước tính khoảng 1.000m2, bên trên được phủ bạt, chèn khung sắt, bên dưới chưa được lót đáy. Tại vị trí số 2 (khu vực đang trồng hoa cạnh đường giao thông bên trong cổng nhà máy), sau khi đào sâu 2-3m phát hiện có rác lẫn mùn, chưa xác định được khối lượng cụ thể. Các hộ dân đề nghị đoàn kiểm tra báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Yêu cầu công ty xử lý toàn bộ rác thải đã chôn và tạm dừng việc vận chuyển rác thải về nhà máy.

Lãnh đạo xã Thịnh Minh cho biết, ban đầu quy hoạch đây là bãi rác của xã để đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau khi tham vấn, UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty Bắc Việt vào đầu tư để xử lý rác của toàn thành phố. Công suất xử lý 100 tấn rác/ngày. Thời gian qua có tình trạng bà con tập trung phản đối không cho xe chở rác vào và muốn yêu cầu các ban nghành kiểm tra lại xem về mùi, việc chôn lấp có ảnh hưởng tới nguồn nước hay không. Các cơ quan chuyên môn sớm có kết luận để người dân yên tâm.

Hậu quả trước mắt của việc người dân chặn xe rác vào nhà máy xử lý rác của Công ty Bắc Việt, dẫn đến rác thải ở thành phố Hòa Bình bị tồn đọng. Tại các tuyến như đường Trương Hán Siêu, Trần Hưng Đạo, Hữu Nghị, Hòa Bình, Thịnh Lan… được chất thành đống, bốc mùi hôi thối.

dan2.jpg
Dân lập lán ngăn xe chở rác

Liên quan tới sự việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ chỉ đạo, giao UBND thành phố Hòa Bình chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm theo thẩm quyền đối với những nội dung đã được các cơ quan báo chí, truyền hình phản ánh, báo cáo Chủ tịch UBND các nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình về giải quyết khó khăn trong công tác vận chuyển; xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hòa Bình.


Thanh Phương