Người khuyết tật ở Bình Dương được tạo điều kiện làm việc tốt
Kinh tế - Ngày đăng : 08:12, 09/12/2020
Nhiều doanh nghiệp không nề hà tuyển dụng lao động khuyết tật
Từ lâu, Công ty TNHH Yazaki EDS (TP Dĩ An, Bình Dương) được biết đến là một doanh nghiệp tiên phong trong công tác tuyển dụng lao động là NKT, cụ thể, mỗi năm công ty tuyển dụng từ 4-10 NKT vào làm tại các nhà xưởng ở TP. Dĩ An và TX. Bến Cát. Tính đến nay, tại Yazaki có khoảng 30 NKT đang làm việc.
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, quan điểm của Ban Giám đốc công ty là không phân biệt hay kỳ thị lao động NKT, tất cả người lao động đều cùng ăn, cùng làm việc với nhau, ngay cả lương thưởng cũng như nhau. “Đa phần NKT không có tay nghề nên khi vào làm phải đào tạo. Họ chủ yếu là lao động khuyết tật câm, điếc”, bà Nhung cho biết.
Khi phóng viên có dịp vào xưởng và được tận mắt chứng kiến các bạn lao động khuyết tật làm việc tại Công ty Yazaki EDS, mới thấy được sự nỗ lực phi thường của họ, bởi vì với một người bình thường lúc mới vào học việc cũng phải mất cả tuần mới biết việc, chưa kể để làm quen với công việc cũng rất khó khăn, thì những lao động NKT, họ phải nổ lực 200%.
Bỏ qua những khó khăn của bản thân, có những lao động NKT tại Yazaki làm việc rất hiệu quả, thậm chí có những bạn còn làm tốt hơn cả lao động bình thường và đã được cân nhắc lên vị trí quản lý.
Như trường hợp của công nhân Nguyễn Quốc Bảo là một ví dụ, anh bị câm điếc bẩm sinh, lúc 9 tuổi anh đã được vào học tại Trung tâm Nuôi dạy Người khuyết tật Thuận An. Quãng thời gian học tập ở đây đã giúp Bảo không chỉ biết viết chữ mà còn giúp anh trưởng thành, đủ khả năng được vào làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như Công ty TNHH Yazaki EDS VN.
Bảo luôn cố gắng trong công việc, anh cho biết, gia đình chính là nguồn động viên lớn nhất để phấn đấu, đi làm một phần để khẳng định bản thân, ngoài ra Bảo còn dùng số tiền lương của mình để phụ giúp cho gia đình. Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã được đề bạt lên vị trí huấn luyện, đào tạo cho công nhân mới, một công việc mà một công nhân bình thường cũng khó đạt tới.
Còn bây giờ thì Bảo có thêm niềm vui lớn nữa là người vợ hiền làm cùng công ty. Sau thời gian quen biết, tìm hiểu họ đã tìm được tiếng nói chung của những người cùng cảnh ngộ để đến với nhau bằng tình yêu thương, sự trân trọng.
Ngoài Công ty Yazaki, thì Công ty TNHH II-VI Việt Nam (KCN V-SIP I) chuyên sản xuất kính quang học, kính hồng ngoại và sản phẩm nhiệt địện kỹ thuật cao cũng tuyển dụng lao động là NKT. Hiện nay, công ty có khoảng 10 NKT đang làm việc. Họ chủ yếu là khiếm thính, khuyết tật chân.
Để động viên, khuyến khích NKT làm việc, cống hiến sức lực, trí tuệ cho công ty, ngoài lương, thưởng như mọi người, công ty thường xuyên ưu tiên để họ được nhận những phần quà lễ, tết từ các cấp công đoàn.
Lao động là NKT được hỗ trợ tối đa
Hiện nay, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trên 17.000 NKT. Trong đó có rất nhiều NKT chưa qua đào tạo, họ rất mong muốn một cơ hội học nghề để có công việc và thu nhập ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm GDNN NKT tỉnh Bình Dương đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 27 học viên, trong đó, duy trì lớp gia công stent gồm 18 học viên với thu nhập bình quân 5.000.000đồng/tháng và giải quyết việc làm cho học viên đang học nghề và sản xuất là 9 học viên.
Trung tâm còn là đơn vị kết nối NKT với doanh nghiệp, không chỉ NKT trong tỉnh mà ngay những NKT từ các tỉnh đến Bình Dương mong muốn có việc làm ổn định cũng sẽ được hỗ trợ. Sau đó, doanh nghiệp sẽ cử người đến trung tâm phỏng vấn trực tiếp, hoặc trung tâm đưa NKT đến tận nhà máy để phỏng vấn.
Sau khi gặp gỡ, trao đổi, đơn vị tuyển dụng và NKT sẽ ký hợp đồng thử việc. NKT thử việc, học việc cũng được trả lương theo quy định của Luật Lao động.
Cô Đặng Thị Minh Thu - Giám đốc Trung tâm GDNN tỉnh Bình Dương, cho biết nhiều học viên đã có nghề nghiệp, tự tạo được thu nhập cho bản thân, cũng có nhiều bạn khẳng định được thành công và hòa nhập với cộng đồng , quên đi những mặc cảm trên cơ thể.