Tiếp tục xây dựng Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước
Chính trị - Ngày đăng : 21:35, 07/12/2020
Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu, gồm một số đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các thế hệ cán bộ ngoại giao lão thành trực tiếp tham gia công tác ngoại giao kinh tế qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo một số cơ quan, Bộ, ngành kinh tế, địa phương khu vực Bắc-Bắc Trung Bộ, hiệp hội doanh nghiệp, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 và đại diện các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã điểm lại quá trình hình thành và phát triển của công tác ngoại giao kinh tế; nêu bật một số thành tựu chính của công tác ngoại giao kinh tế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của đất nước sau gần 35 năm đổi mới.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh công tác ngoại giao kinh tế đã ghi những dấu ấn quan trọng, từ tham mưu, nghiên cứu chính sách kinh tế, mô hình phát triển; tìm kiếm nguồn lực phát triển cho đất nước; tạo đan xen lợi ích với các đối tác; nâng tầm ngoại giao đa phương, phục vụ cho phát triển kinh tế; đến quảng bá hình ảnh, kinh tế đất nước; bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân Việt Nam ở nước ngoài.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cũng đã trân trọng ghi nhận những đóng góp to lớn của các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ lão thành làm công tác ngoại giao kinh tế qua các thời kỳ cũng như sự phối hợp công tác chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thời gian qua, góp phần chung vào những thành công vẻ vang của công tác ngoại giao kinh tế.
Thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị công tác ngoại giao kinh tế cần bám sát bối cảnh tình hình mới, quán triệt các chủ trương, chính sách quan trọng của Đại hội Đảng XIII để đề ra các kế hoạch dài hạn, phương hướng và trọng tâm ngoại giao kinh tế, phục vụ thiết thực cho Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.
Tại hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá Bộ Ngoại giao có thế mạnh lớn với mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài rộng lớn, là những “ăng-ten” quan trọng thông tin về tình hình kinh tế chính trị trên thế giới, tham mưu các chính sách chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho Đảng và Nhà nước từ những buổi đầu độc lập cho đến nay. Đặc biệt, vai trò của Bộ Ngoại giao trong phát triển kinh tế đất nước tiếp tục được nhấn mạnh tại các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, trong giai đoạn tới, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục phát huy thế mạnh của các “ăng-ten toàn cầu”, tiếp tục xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đẩy mạnh ngoại giao về khoa học công nghệ và ngoại giao giáo dục.
Hội thảo gồm hai phiên thảo luận chính. Tại Phiên 1 với chủ đề “Những bước trưởng thành của ngoại giao kinh tế thời kỳ đổi mới”, các diễn giả đã chia sẻ những câu chuyện, bài học quý giá của cá nhân trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, qua đó đưa đến cho Hội thảo một bức tranh tổng thể nhưng đầy điểm nhấn về lịch sử hình thành, phát triển và các thành tựu của công tác ngoại giao kinh tế.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ, vai trò của phối hợp liên ngành trong công tác ngoại giao kinh tế là rất quan trọng, để hội nhập kinh tế thì trước hết cần phải hiểu rõ luật chơi quốc tế để tham mưu và kiến nghị chính sách cho Chính phủ; đồng thời, bên cạnh đào tạo kiến thức kinh tế cho các cán bộ ngoại giao thì cần phải thông tin kiến thức đối ngoại cho toàn dân và doanh nghiệp...
Phiên 2 của Hội thảo với chủ đề “Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong giai đoạn mới” tập trung thảo luận những nhiệm vụ đặt ra đối với công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ hiện nay và thời gian tới đây.
Phát biểu dẫn đề tại Phiên 2, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhận định, đất nước ta đang chuyển từ giai đoạn phát triển thấp đến giai đoạn cao, yêu cầu phải nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế cho phù hợp với tình hình mới. Do đó, trong 10 năm tới, Bộ Ngoại giao cần có Chiến lược ngoại giao kinh tế, với nội dung và lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn; đồng thời, Đại sứ đã đề ra 8 giải pháp để đẩy mạnh công tác Ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.
Với sự dẫn dắt thảo luận của Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo, đại diện một số Bộ, ngành kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương), đại diện lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, đã tích cực thảo luận, chia sẻ những ý kiến thực chất về những vấn đề, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhận định, công tác nghiên cứu của ngành Ngoại giao cần phải được nâng cao, không chỉ cung cấp thông tin thô mà chú trọng thông tin đã qua xử lý và có nghiên cứu. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành nhận định trong thời gian tới, có hai đột phá là khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Do đó, cần phát huy vai trò của các Trưởng Cơ quan đại diện, phải là “đôi mắt, đôi tai” của nước ta ở nước ngoài.
Về thu hút FDI, cần chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao, khuyến khích chuyển giao công nghệ; về thương mại, cần triển khai và tích cực khai thác các hiệp định FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP... Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần cung cấp thông tin, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng như Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã đề xuất các nhu cầu cần Bộ Ngoại giao hỗ trợ trong thời gian tới, đặc biệt là công tác thông tin cho các địa phương và doanh nghiệp về điều chỉnh chính sách của các địa bàn, nhu cầu hợp tác của địa phương và doanh nghiệp nước ngoài, cũng như vận động hành lang, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ngành và các doanh nghiệp....
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, với tầm quan trọng và những đóng góp thực chất, công tác ngoại giao kinh tế cần được đẩy mạnh. Bộ Ngoại giao cần nghiên cứu các nội hàm mới, các cơ chế hợp mới, tạo sức mạnh tổng thể của đất nước; tận dụng mạng lưới quan hệ và hệ thống các FTA rộng lớn để thúc đẩy thu hút FDI chất lượng cao, khai thác hiệu quả các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại.
Về cách làm, theo Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn, cần đổi mới hình thức, quy mô, cách thức triển khai công tác ngoại giao kinh tế, đảm bảo các hoạt động được triển khai hiệu quả, thực chất... bám sát thực tiễn, nhu cầu phát triển của địa phương và doanh nghiệp; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng những công nghệ mới, tận dụng khả năng lan toả nhanh của các sản phẩm quảng bá trên nền tảng internet để nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ CMCN 4.0.
Cuối cùng, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Bộ Ngoại giao cần tiếp tục đầu tư, đào tạo về ngoại giao kinh tế cho cán bộ, đội ngũ cán bộ ngoại giao, có khả năng thích nghi nhanh với bối cảnh và tình hình mới, và mở rộng, hỗ trợ cho các Bộ, ngành trong công tác đào tạo.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, góp phần giới thiệu những thành tựu, đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế đối với công cuộc phát triển đất nước trong gần 35 năm qua; gợi mở ra những hướng đi và nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới. Hội thảo là một trong nhiều hoạt động của chuỗi các sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao trong năm 2020.