Đi vay tiền, giám đốc doanh nghiệp lĩnh án chung thân vì tham ô tài sản
Pháp đình - Ngày đăng : 17:14, 05/12/2020
Chủ doanh nghiệp tư nhân bị khép tội tham ô
Theo bản án sơ thẩm, ngày 27/8/2020, Trần Văn Sơn (cựu Giám đốc ngân hàng Agribank Sìn Hồ) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo cấp dưới lập hàng chục hồ sơ vay vốn giả, hồ sơ vay vốn đứng tên Sơn để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của Agribank. Trong đó có việc Sơn cùng Lò Văn Xô (khi đó là Phó giám đốc Agribank Sìn Hồ) câu kết với Đặng Tiến Cường, chỉ đạo cấp dưới lập 13 hồ sơ vay vốn giả để giúp Cường chiếm đoạt tiền của Agribank tại chi nhánh Sìn Hồ do Sơn và Xô được giao nhiệm vụ quản lý.
Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Sơn tử hình, Đặng Tiến Cường chung thân, Lò Văn Xô 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản”…. HĐXX nhận định, trong quá trình kinh doanh, do có mối quan hệ quen biết với Trần Văn Sơn và Lò Văn Xô là những người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản tại Agribank Sìn Hồ nên Cường đã rủ rê, lôi kéo, thúc đẩy Sơn, Xô về việc chỉ đạo các nhân viên dưới quyền lập hồ sơ vay vốn giả để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Hành vi của Đặng Tiến Cường mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác, giấy chứng minh nhân dân của người khác và khai báo với cán bộ ngân hàng Sìn Hồ lập nên các hợp đồng vay vốn mà cụ thể bao gồm 13 hợp đồng, sau đó, thông qua hoạt động giải ngân, Cường đã chiếm đoạt 27 tỷ đồng của ngân hàng Agribank Sìn Hồ.
Ngay sau bản án sơ thẩm, ông Đặng Tiến Cường đã có đơn kháng cáo, đơn kiến nghị gửi TAND cấp cao tại Hà Nội, VKSND cấp cao... Trong đơn, ông Cường cho rằng bản án chung thân về tội “Tham ô tài sản” không thỏa mãn các quy định của pháp luật.
Ông Cường cho rằng “tài sản, tiền của ngân hàng là do ngân hàng quản lý, ông không có quyền hay trách nhiệm quản lý nên không thể thực hiện hành vi “chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý như dấu hiệu của tội Tham ô tài sản”. Bản thân ông cũng không đồng phạm với hành vi của các cán bộ tín dụng Agribank Sìn Hồ.
Theo quy định tại Điều 353 BLHS thì hành vi tham ô tài sản phải có dấu hiệu bắt buộc là “chiếm đoạt” tài sản mình có trách nhiệm quản lý. Tại phần nhận định, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lai Châu cũng thừa nhận Sơn và Xô không chiếm đoạt, không hưởng lợi ích trong số 27 tỷ mà Agribank cho Cường vay.
Theo một số chuyên gia pháp lý, nếu cho rằng bị cáo Sơn, Xô chủ mưu “tham ô tài sản” (Cường đồng phạm giúp sức) thì hành vi của Sơn và Xô không thỏa mãn dấu hiệu “chiếm đoạt” theo Điều 353 BLHS như phân tích nêu trên. Còn nếu nói Cường chủ mưu “tham ô tài sản” (Sơn, Xô chỉ là đồng phạm giúp sức) thì cũng không hợp lý vì 27 tỷ không thuộc trách nhiệm quản lý của Cường (Cường với tư cách GĐ Cty TNHH không thể là chủ thể tội tham ô tài sản).
Mong được điều tra lại
Trong đơn kiến nghị, ông Cường đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội, VKSND cấp cao xem xét hủy án sơ thẩm để điều tra lại đối với hành vi của ông. Bởi theo lý giải của ông Cường, đối với 13 hợp đồng tín dụng, trong đó có 9 hợp đồng có tài sản đảm bảo, 4 hợp đồng không có tài sản đảm bảo thì từ năm 2017 đến năm 2019, trước khi ông bị bắt, toàn bộ số tiền lãi và gốc đến hạn, Công ty ông đều trả đầy đủ cho ngân hàng. Ngân hàng cũng chưa hề khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với ông Cường và công ty của ông.
Đáng nói, đến nay, vẫn chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền nào hủy bỏ 13 Hợp đồng tín dụng trên với lý do đây là hợp đồng vô hiệu do giả cách, nên chưa đủ căn cứ khẳng định Agribank Sìn Hồ đã bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã cho vay này.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, truy tố,... chưa có căn cứ làm rõ thiệt hại là bao nhiêu cho ngân hàng? Cơ quan giám định mới xác định được số tiền giải ngân, chưa xác định số tiền ngân hàng thu về từ ông Cường đã nộp - Cty Đức Cường. Ngân hàng cũng không có bất kỳ đơn khởi kiện nào đòi tiền vay nợ của ông Cường, các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường.
Ngày 11/5/2019 ngân hàng Agribank tỉnh Lại Châu và Chi nhánh Sìn Hồ và Đặng Tiến Cường đã họp thống nhất phương án trả nợ. Tuy nhiên, ngày 1/6/2019, CQĐT đã bắt tạm giam Đặng Tiến Cường, do đó mọi phương án kinh doanh, trả nợ đều không thể thực hiện được. Tài khoản bị phong tỏa, tài sản bị kê biên, doanh nghiệp không hoạt động được đã gây thiệt hại nhiều chục tỷ đồng cho doanh nghiệp Đức Cường, do đó, ông Cường mong TAND cấp cao tại Hà Nội cho mình được tại ngoại để bản thân cùng ngân hàng bàn bạc, tìm hướng giải quyết tốt nhất cho các vướng mắc về công nợ hiện tại trong thời gian sớm nhất. Điều này vừa để thu hồi tài sản cho nhà nước, vừa đảm bảo tài sản của ông Cường và công ty ông không thất thoát.
Liên quan tới vụ án, theo cáo trạng, trong số tiền hơn 42 tỷ chiếm đoạt của Agribank Sìn Hồ, Sơn đã chuyển cho Vũ Văn Kiên (GĐ Công ty TNHH Quang Chiến) hơn 5 tỷ; chuyển cho Công ty CP XNK Thủy sản An Giang tham gia dự án xuất khẩu cá đông lạnh hơn 20 tỷ. Tại phiên tòa sơ thẩm, cả Sơn, luật sư bào chữa và Agribank Sìn Hồ đều cho rằng Sơn đã vay giúp Kiên trả cho Công ty CP XNK An Giang 29 tỷ nên đề nghị Tòa án thu hồi số tiền trên do đây là “tiền phạm tội mà có”. Việc thu hồi số tiền này nhằm đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án, thu hồi tài sản cho Nhà nước, cũng là tình tiết để xem xét trách nhiệm cho bị cáo .
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, tại CQĐT, Kiên khai nhận bản thân có vay tiền của Sơn nhưng Kiên không biết tiền Sơn cho mình mượn là chiếm đoạt của ngân hàng mà có. Sau đó, Kiên đã đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan điều tra đã thông báo truy tìm nhưng không xác định được nên chưa có cơ sở xem xét xử lý đối với Kiên.