Điều tra vụ học sinh lớp 11 bị yêu cầu viết giấy “trả nợ thay mẹ”
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 21:37, 30/11/2020
Theo phản ánh ông N.N. S. (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), con gái ông là Nguyễn Thị Ngọc H. (17 tuổi, hiện đang là học sinh lớp 11) bị một số người lạ mặt xông vào nhà, sau đó yêu cầu bắt viết giấy "trả nợ thay mẹ".
Sự việc diễn ra vào khoảng 18 giờ ngày 19/11 tại nhà riêng của ông S. khi cả hai vợ chồng ông S. không có ở nhà. Lúc này xuất hiện một người phụ nữ và 2 người đàn ông lạ mặt đến nhà rồi yêu cầu con gái ông S. viết "giấy nhận và trả nợ thay mẹ". Do hoảng sợ, nên cháu H. đã viết vào 2 tờ giấy mà nhóm người này đã chuẩn bị sẵn nội dung.
“Khi về nhà, thấy con gái mang ra tờ giấy có nội dung: "Đơn đề nghị rút vốn". Dưới đơn có thể hiện "người viết đơn ký ngày 20/11/2020 mang tên bà Phạm Thị Ng. có địa chỉ tại Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dưới tờ đơn có nội dung do nét chữ của con gái tôi viết: "Thời hạn hẹn trong vòng 7 ngày giải quyết nếu không sẽ tính trả theo lãi suất ngân hàng", ông S cho hay.
Ông S cho biết thêm vào tháng 10/ 2010, Công ty nơi ông S. giữ chức Chủ tịch HĐQT có phân cho bà N.T.T một lô đất để tạo điều kiện cho bà T. làm việc. Lô đất này được chuyển dưới dạng hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên sau đó bà T. có cho bà T.T.H. mượn “Hợp đồng góp vốn” trên để vay tiền của bà P.T.N, thời hạn trả tiền được ấn định trong khoảng thời gian là 03 tháng tính từ khi vay.
“Tôi không quen biết bà H. và bà N., gia đình tôi làm ăn yên ổn lâu nay, không hề có giao dịch liên quan đến kinh tế, làm ăn với hai người này. Thế nhưng Bà N. bắt tôi phải trả số tiền mà bà H. đã vay của bà N. và có dấu hiệu đe doạ đến các thành viên trong gia đình tôi”, ông Sơn bức xúc.
Trước sự việc trên, ông đã gửi đơn kêu cứu gửi đến Công an quận Nam Từ Liêm và Công an TP. Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Liên quan đến sự việc trên, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Một số đối tượng lạ mặt, tự ý vào nhà của người khác sau đó ép buộc một người không có liên quan tới giao dịch ký giấy nhận nợ theo thông tin phản ánh là có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, hành vi mà các đối tượng thực hiện đã có dấu hiệu của “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” được quy định tại Điều 158 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nghiêm trọng hơn, việc các đối tượng cưỡng ép một người không liên quan đến sự việc, mặt khác còn là người chưa đủ tuối vị thành niên phải ký "giấy nhận nợ" đã thể hiện sự coi thường pháp luật.
Theo luật sư Hòe, khi nhận được trình báo của công dân về các hành vi nói trên thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời có biện pháp bảo vệ cho người chưa thành niên.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ điều tra Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, đơn vị đã nhận được đơn trình báo của gia đình ông S. về vụ việc trên và đang xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.