Cán bộ phải coi việc tự học tập, rèn luyện là quy định bắt buộc

Chính trị - Ngày đăng : 15:04, 30/11/2020

Đối với cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải nêu gương nhiều hơn nữa, coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là quy định bắt buộc.
ctqh.jpg
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các điển hình hiếu học trên toàn quốc

Sáng ngày 30/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi gặp mặt Đoàn đại biểu dự Đại hội biểu dương các mô hình học tập toàn quốc.

Tham dự buổi gặp mặt có: Nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Báo cáo về một số kết quả trong phong trào học tập, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, đại biểu về dự Đại hội toàn quốc biểu dương các gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016-2020 gồm: 294 đại biểu được bầu chọn từ cơ sở đại diện cho hơn 16.000.0000 gia đình, trên 84.000 dòng họ, 89.000 cộng đồng và trên 48.000 đơn vị học tập với đủ các thành phần cư dân từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến vùng núi, vùng biên giới, hải đảo, với các thành phần dân tộc, mọi ngành nghề, lĩnh vực công tác, ở các lứa tuổi khác nhau trong cả nước… Trong đó, đại biểu cao tuổi nhất là 86 tuổi, trẻ nhất dưới 30 tuổi, trong đó có 10% là đại biểu dân tộc thiểu số gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Mường, Thái, Vân Kiều, Bana, Jrai, Chăm, Hà Nhì,….

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam từ khi triển khai theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 112 ngày 18/5/2005 và số 89 ngày 09/01/2013 về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2005-2010 và giai đoạn 2012-2020, cũng như Quyết định số 281 ngày 20/2/2014 về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, truyền thống hiếu học đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị,… đã trở thành hoạt động thường xuyên, có nền nếp, quy củ, phát triển rộng khắp trong cả nước. Tổ chức Hội đã phủ kín các thôn, bản, xã, phường, huyện, tỉnh, thành phố với hơn 21 triệu hội viên. Trên nhiều địa phương, chúng ta đều có thể gặp những cá nhân, những mô hình hay, sáng tạo nhằm thúc đẩy việc học trong Nhân dân, như: “tiếng kẻng học tập”, “con heo khuyến học”, “luống rau khuyến học”, “con gà khuyến học”…

Phong trào học tập đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, trong đó, có một số thành tích nổi bật như: Cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn cấp xã đã tạo điều kiện giúp con em trong các gia đình trong độ tuổi học ở bậc phổ thông đều được tới trường và hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi.

Ở những nơi có phong trào tốt, người lớn trong độ tuổi lao động đều tham gia các chương trình, khóa học khác nhau, qua đó, tìm được việc làm ổn định, nâng cao tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhiều cháu học sinh, sinh viên nghèo, học sinh giỏi đã được các cấp hội ở địa phương trao học bổng. Người lớn cũng được trao học bổng nếu có thành tích học tập xuất sắc được ứng dụng vào thực tế, như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo sản phẩm mới, thu hút lao động cho địa phương, góp phần bảo vệ môi trường…

Những tấm gương tiêu biểu, điểm sáng lan tỏa về khuyến học

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hiếu học cùng với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có chủ trương thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

ntkn.jpg
Chủ tịch Quốc hội: Học tập không chỉ là nghĩa vụ, mà phải được coi là quyền, là khát vọng, say mê, là niềm vui để làm việc và làm người cán bộ, đảng viên tốt

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước kết quả điều tra xã hội học mà Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện về tác dụng của các mô hình học tập; đồng tình với quan điểm của đa số người dân cho rằng, một gia đình được công nhận là gia đình văn hóa thì trước hết phải là một gia đình học tập. Các mô hình học tập đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại khu vực...

Trong các mô hình học tập, hội viên không chỉ học hỏi, chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, mà còn trao đổi, truyền tải về văn hóa, đạo đức, nhất là giúp hội viên nhận thức rõ những tác hại để tránh xa các tệ nạn xã hội... góp phần thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn. Tại những địa phương có phong trào xây dựng các mô hình học tập phát triển, người dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong học tập và đời sống, từ đó, tăng cường mối quan hệ thân thiện, gắn kết, giúp đỡ giữa mọi người và trong cộng đồng. Việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố và đơn vị học tập là động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới và khối phố văn minh, khu dân cư văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được của các cấp Hội Khuyến học và phong trào khuyến học cả nước; biểu dương các tấm gương học tập tiêu biểu trên các lĩnh vực, trong các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, những người đang lao động, học tập, sinh sống ở trên khắp mọi miền tổ quốc.

“Điều đó cho thấy, đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia học tập suốt đời theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu đại diện cho các mô hình học tập có mặt tại đây, cũng như hàng triệu hội viên khuyến học trên cả nước. Các bác, các anh, chị, em đã thực sự là những tấm gương tiêu biểu, là điểm sáng lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp trong phong trào khuyến học, khuyến tài đóng góp vào phong trào dạy tốt, học tốt, thi đua yêu nước của ngành giáo dục, tạo thành một rừng hoa nhiều màu sắc, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Học tập là con đường duy nhất để tiến bộ và phát triển

Thời gian tới, nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa quan trọng với nhiều dấu mốc quan trọng của Đảng, của Đất nước, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng năm 2030, 100 năm thành lập Nước năm 2045). Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để đưa đất nước vượt qua khó khăn, vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới, chúng ta phải có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ được Đảng, Nhà nước ta coi là quốc sách hàng đầu, là một động lực thúc đẩy và điều kiện cơ bản để bảo đảm thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bên cạnh việc nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này, chúng ta cũng cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa sự học trong Nhân dân bằng việc tiếp tục xây dựng các mô hình học tập với chất lượng cao hơn; tuyên truyền, động viên, khuyến khích mọi người dân, mọi gia đình, dòng họ, các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, doanh nhân... tham gia học tập suốt đời, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, lời Người dạy đã trở thành chân lý và đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang nỗ lực phát triển nhanh, mạnh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, phải xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng, là con đường duy nhất để tiến bộ và phát triển, là nhu cầu cấp thiết của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội Khuyến học cần tiếp tục quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, đặc biệt là phát triển tổ chức Hội tại các cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang… theo Kết luận số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị Khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích để tích cực, tự nguyện, tự giác tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài; từ đó thu hút được sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để có thêm nhiều nguồn lực cho hoạt động.

Đồng thời, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Quan tâm biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào; động viên, chăm lo, phát huy vai trò của người đứng đầu, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, trong các tầng lớp Nhân dân.

Đối với cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải nêu gương nhiều hơn nữa, coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là quy định bắt buộc. Học tập không chỉ là nghĩa vụ, mà phải được coi là quyền, là khát vọng, say mê, là niềm vui để làm việc và làm người cán bộ, đảng viên tốt. Không học tập và rèn luyện sẽ bị tụt hậu, bị đào thải, không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn và tin tưởng, phong trào học tập suốt đời sẽ tiếp tục được nhân lên, toàn xã hội tiếp tục hăng say học tập với tinh thần “học không bao giờ cùng”; các cuộc vận động, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Ngọc Mai