Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành Du lịch cần tập trung đẩy mạnh 3 vấn đề

Chính trị - Ngày đăng : 16:56, 28/11/2020

Phát biểu tại Hội nghị du lịch toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch đã đưa ra 3 vấn đề ngành Du lịch cần tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.
dl.jpg
Phó Thủ tướng: Những người làm du lịch cả nước nắm chặt tay nhau cùng hành động vì sự phát triển của du lịch Việt Nam

Sáng 28/11, hàng trăm doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương đã cùng họp mặt tại Hội nghị du lịch toàn quốc, khai mạc tại tỉnh Quảng Nam.

Quyết liệt hơn trong chuyển đổi số cho ngành Du lịch

Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch cho rằng, ngành Du lịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cả chất lượng và hiệu quả du lịch đã được nâng lên một bước lớn, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, những kết quả đó vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Những số liệu thống kê về du lịch mới tập trung vào số lượt khách, doanh thu… thể hiện thực tế  ngành du lịch chưa đi sâu vào đánh giá, lượng hoá tiêu chí chất lượng cho dù đã có những tiến bộ nhất định trong việc tăng thời gian lưu trú, chi tiêu cho du khách.

Ngành du lịch cũng cần tiếp tục phải nhận thức những bất cập vẫn tồn tại về môi trường văn hoá, xã hội, những nỗi sợ của du khách như văn hoá giao thông, môi trường điểm đến, vệ sinh an toàn thực phẩm… để chú ý khắc phục.

Liên quan đến việc thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua ngành du lịch, các địa phương, DN đã có những tiến bộ, nhưng Phó Thủ tướng đánh giá việc triển khai vẫn còn chậm, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn bởi du lịch là ngành cần thiết và có điều kiện chuyển đổi số rất nhanh.

Nhiều dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ở Việt Nam đa phần đang do các DN nước ngoài đầu tư, phát triển. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, DN du lịch cần tham gia tích cực vào các chương trình tạo ra những nền tảng số dùng chung cho ngành du lịch và toàn xã hội.

Dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các DN du lịch lớn mà nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, từng sản phẩm, dịch vụ du lịch… Làm sao để người dân chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử…

Tập trung 3 vấn đề lớn

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu 3 vấn đề mà ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh.

Thứ nhất, phải đảm bảo chất lượng du lịch ở tất cả các phân khúc. Thực tế cho thấy những cơ sở kinh doanh lớn, cao cấp rất chú ý đến chất lượng nhưng chất lượng những cơ sở ở phân khúc thấp hơn lại không được nâng lên, thậm chí có ý kiến nhận định là đi xuống.

Thứ hai, yêu cầu tái cơ cấu thị trường khách du lịch nước ngoài, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhằm khắc phục tình trạng bị động, thiếu định hướng trong phát triển thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các DN du lịch cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, “làm sao để người Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm du lịch cao cấp mà trước đây thường dành cho khách nước ngoài”.

Thứ ba, phát triển du lịch trước hết phải đảm bảo an toàn. Phó Thủ tướng nhắc lại bài học Đà Nẵng và cho rằng “trong lúc này, với thị trường trong nước, các DN du lịch cố gắng cùng nhau vượt qua, đồng thời tự làm mới mình, khắc phục những bất cập, hạn chế vốn đã được nhận diện nhưng chưa có thời gian, điều kiện thực hiện”.

Đánh giá cao sáng kiến liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với các vùng trong cả nước, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương cần chú ý hơn nữa đến khắc phục bất cập, hạn chế trong phối hợp, kết hợp phát triển du lịch, không chỉ giữa địa phương với nhau mà còn giữa các ngành, các DN, giữa cơ quan nhà nước với DN, cơ quan nhà nước với cộng đồng…

“Nếu kết nối, phối hợp tốt, chúng ta có thể làm được những việc tưởng chừng không làm được và nhiều nước tưởng rằng rất khó, mà thời gian phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua là một ví dụ”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị những người làm du lịch cả nước nắm chặt tay nhau cùng hành động vì sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch quốc tế (UNWTO), trong bối cảnh nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để ứng phó với COVID-19, khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới trong 8 tháng đầu năm 2020 đã giảm 70% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 700 triệu lượt khách và 730 tỷ USD doanh thu du lịch. Tổn thất này cao gấp 8 lần so với tổn thất của năm 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tổ chức này đánh giá, thị trường du lịch nội địa lớn gấp 6 lần thị trường du lịch quốc tế với ước tính 9 tỷ chuyến đi trong năm 2018, trong đó 50% các chuyến đi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, những quốc gia có du lịch nội địa chiếm tỷ trọng cao sẽ hồi phục sớm hơn và nhanh hơn sau COVID-19.

Đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung, hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan. Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.