Sẽ siết chặt hoạt động của các Văn phòng công chứng

Chính trị - Ngày đăng : 21:52, 27/11/2020

Đây là thông tin đáng chú ý tại buổi họp báo của Bộ Tư pháp về công tác quý 3/2020. Buổi họp báo do Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì.

Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh

Thông tin về nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Công chứng viên đối với 261 trường hợp, miễn nhiệm công chứng viên đối với 14 trường hợp. Qua kiểm tra hoạt động của các văn phòng công chứng và phản ánh của các địa phương, đang có tình trạng chuyển trụ sở văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng. Đồng thời không đáp ứng được nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức tại các huyện, các vùng xa trung tâm. Công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng.

z2199842530099_92a67e06cbb83c0747bb31d804038f6b.jpg
Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục bổ trợ tư pháp tại buổi họp báo

Để tránh phát triển nóng văn phòng Công chứng tập trung tại một nơi, Bộ Tư pháp sẽ bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển có kiểm soát các văn phòng công chứng. Ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gắn với nhu cầu công chứng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện, bảo đảm tính khả thi, hoạt động ổn định, bền vững của Văn phòng công chứng sau khi được thành lập, bà Hoa cho biết.

Về giải pháp mới theo Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng nhằm tránh “co cụm” nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện, bà Đặng Kim Hoa cho biết, Nghị quyết đã yêu cầu các địa phương rà soát, ban hành tiêu chí lập Văn phòng công chứng, phải đánh giá sự cần thiết của việc thành lập này cũng như tính khả thi. Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết và tổ chức lấy ý kiến các đơn vị thuộc.

Đã bãi bỏ 148 thủ tục hành chính

Cũng tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn đã thông tin về kết quả công tác tư pháp từ đầu quý III đến nay.

Thời gian qua, các đơn vị của Bộ Tư pháp đã tập trung rà soát, trình Bộ trưởng ban hành nhiều quyết định chuẩn hóa các thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý của Bộ. Theo đó, đã chuẩn hóa và bãi bỏ tổng số 148 TTHC (gồm 92 thủ tục thuộc các lĩnh vực bổ trợ tư pháp - luật sư, tư vấn pháp luật, hòa giải thương mại, đấu giá tài sản...; 48 thủ tục thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự, 06 thủ tục thuộc lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật). Ngày 13/11/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định quy định về tổ chức đánh giá giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của Bộ Tư pháp với mục đích lắng nghe ý kiến đánh giá của các nhân, tổ chức thực hiện TTHC để từ đó cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công của bộ ngày càng tốt hơn.

z2199833754889_73b1604f987eba8c095457610f49f0ec(2).jpg
Quang cảnh buổi họp báo

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn cho hay, công tác quản lý hộ tịch có nhiều bứt phá. Hiện phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung (của Bộ Tư pháp) đã triển khai áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với hơn 18.000 người dùng, tại hơn 11.000 UBND cấp xã, hơn 700 phòng tư pháp cấp huyện và 63 Sở Tư pháp trên toàn quốc . Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang dần được hình thành với dữ liệu của 12.139.534 trường hợp đăng ký khai sinh; 2.771.264 trường hợp đăng ký kết hôn; 1.888.522 trường hợp đăng ký khai tử và gần 3.934.664 trường hợp đăng ký các sự kiện hộ tịch khác. 7 địa phương đang triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến thông qua Hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến do Bộ Tư pháp xây dựng. Do thủ tục đăng ký khai sinh online đơn giản, thuận lợi nên ngày càng nhiều người dân dùng dịch vụ trực tuyến.

Trả lời câu hỏi về tình trạng chậm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) tại cuộc họp báo, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia cho biết, trước năm 2015 đây là vấn đề nan giải, khó khăn đặc biệt là cho những người ở nước ngoài muốn xin cấp phiếu LLTP (vì họ phải bắt buộc về Việt Nam xin cấp phiếu). Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, thực hiện Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cơ bản tình trạng chậm cấp phiếu đã được giải quyết, chỉ còn khoảng 2% chậm với những trường hợp án chưa rõ, có án tích nhưng khó xác minh…. Thực hiện đề án cũng chấm dứt tình trạng người dân phải về Việt Nam xin cấp phiếu (vì đã được giải quyết qua bưu điện, qua tư vấn, qua tờ khai trên internet…). Và sắp tới ngành Tư pháp sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này.

Mai Thoa