Cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 11:47, 26/11/2020
Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá thường sử dụng là quy trình nhân sự áp đặt, đại hội không dân chủ, vấn đề dân chủ, nhân quyền… rồi bôi nhọ đời tư của các cá nhân đặc biệt là lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Những chiêu trò được các thế lực này sử dụng đó là các bài viết, video clip với lập luận, tuyên truyền, cổ vũ cho việc từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, hòng lừa bịp li gián lòng dân.
Lợi dụng những hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong đời sống xã hội như sự cố môi trường biển miền Trung, tình hình phức tạp trên Biển Đông, một số dự án chậm tiến độ, sự việc Đồng Tâm, vụ án hình sự Hồ Duy Hải , các thế lực chống phá đã công khai xuyên tạc vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quy kết “đất nước lâm nguy”, “tình thế hiểm nghèo”.
Xét về bản chất, đây là những quan điểm sai trái, phi lịch sử, phản khoa học. Các thế lực chống phá Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tấn công trên nhiều lĩnh vực, phương diện khác nhau, song chung quy lại, mục đích mà các thế lực này hướng tới là từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi thể chế chính trị.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, với một “rừng” các thông tin trên mạng xã hội, youtube… mỗi người dân cần tỉnh táo, thận trọng trong tiếp nhận thông tin, chia sẻ thông tin. Mỗi quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đều được phổ biến nhanh chóng, kịp thời trên báo chí chính thống trong nước cũng như trên Cổng Thông tin điện tử các cơ quan chức năng.
Khi đọc và tiếp nhận, mỗi chúng ta cần phân biệt nguồn thông tin, xác định tính đúng sai, có nhận thức đúng đắn, tiếp nhận thông tin có chọn lọc đồng thời cũng phản biện lại những thông tin sai sự thật, thông tin độc hại, mang tính chất chống phá. Tránh xa đà vào những thông tin không được kiểm chứng, chia sẻ “không kiểm soát” trên mạng xã hội.