Cao Thái Hà chính thức có tên mới “Hoạn Thư”
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 15:07, 25/11/2020
Mới đây, bộ phim điện ảnh "Kiều" đã hé lộ nhân vật Hoạn Thư sẽ được giao cho nữ diễn viên Cao Thái Hà đảm nhận.
Cao Thái Hà đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng khán giả qua các bộ phim như: “Bán chồng”, “Tiếng sét trong mưa”….
Khi được nhận vai diễn này, cô vui mừng chia sẻ:
“Thật sự là 1 hạnh phúc khi được trở thành Hoạn Thư của cụ Nguyễn Du. Bằng tất cả trái tim của mình, Hà hi vọng sẽ là vai diễn để lại cho khán giả 1 ấn tượng khác về Hoạn Thư, về những gì mà cô ấy đã phải trải qua khi bị người mình yêu nhất, người mà mình hi sinh tất cả phản bội.”
Ngoài ra, bộ phim cũng hé lộ nhân vật Thúy Kiều.
Đặc biệt, Mai Thu Huyền chính là đạo diễn của bộ phim. Cô chia sẻ:
"Truyện Kiều'' hay còn gọi là "Đoạn trường tân thanh" mặc dù được sáng tác dựa theo cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, một tiểu thuyết bằng văn xuôi của Trung Quốc, nhưng với tài năng sáng tạo của đại thi hào Nguyễn Du, tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3254 câu và đã trở thành kiệt tác văn học, di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Với ''Truyện Kiều", thi hào Nguyễn Du đã chắt lọc những tinh hoa từ văn hóa, lối sống Việt, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian, thông qua việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các khẩu ngữ, ca dao, tục ngữ và một số thành ngữ Hán Việt đã được "thuần Việt". Hàng trăm năm qua, ngôn từ trong ''Truyện Kiều'' đã được dùng rộng rãi trong các sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân như: ngâm Kiều, vịnh Kiều, bình Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều…
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta có thể thấy có rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" như: múa ballet, múa rối, kịch nói, nhạc kịch... Đây đều là những tác phẩm phái sinh, không phải là bản sao của tác phẩm gốc mà mỗi tác giả sẽ sáng tạo về nội dung, hình thức, ngôn ngữ thể hiện theo góc nhìn riêng của mình.
Và phim “Kiều” cũng vậy, với độ dài của phim chiếu rạp chỉ có khoảng 90 phút nên không thể kể hết quãng đời 15 năm truân chuyên của nàng Kiều, do đó ekip chúng tôi cố gắng chắt lọc ra những khoảng đời, những mối quan hệ, những tình tiết hấp dẫn và phù hợp với ngôn ngữ hình ảnh.
Ước vọng cao nhất của chúng tôi là làm ra một bộ phim thuần Việt, dành cho khán giả Việt. Do đó thiết kế bối cảnh và trang phục trong phim đều cố gắng sáng tạo theo phong cách của người Việt, chứ không như nguyên tác “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc và chúng tôi chọn cách không xác định cụ thể thời gian và không gian xảy ra trong phim.
Còn một số thắc mắc về việc sử dụng chữ quốc ngữ trong bản Pre-Teaser của phim thì thực ra, trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng đã chuẩn bị cả hai phương án thiết kế biển hiệu bằng cả chữ Nôm và chữ Latin. Nhưng khi cân nhắc đến tính đại chúng của điện ảnh, chúng tôi đã lựa chọn đưa chữ Latin vào để cho phần đông khán giả khi xem phim dễ hiểu hơn. Tuy nhiên những ngày qua có nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng góp ý nên sử dụng chữ Nôm vì Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm thì chúng tôi cũng rất cảm ơn những góp ý chân thành này. Hiện tại bộ phim đã hoàn tất giai đoạn quay và đang làm hậu kỳ nên chúng tôi cũng đang cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp nhất để hoàn thiện bản phim chính thức. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ tiếp tục chân thành lắng nghe các ý kiến góp ý để hoàn thiện bộ phim, đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả.”
Bộ phim dự kiến khởi chiếu vào ngày 08/03/2021.