CDC Hà Nội: Phim "Lửa ấm" tuyên truyền sai lệch về nhiễm HIV

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:07, 24/11/2020

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Lã Thị Lan chia sẻ, bà rất buồn vì phim "Lửa ấm" chiếu trên khung giờ vàng của VTV sai thông tin cơ bản về phòng chống HIV/AIDS.

Chiều 24/11, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, bộ phim "Lửa ấm" phát sóng lúc 21h trên kênh VTV1 đang khiến dư luận hoang mang về việc phơi nhiễm HIV dễ dàng.

Theo bà Lan, nội dung phim "Lửa ấm" tuyên truyền về nhiễm HIV đang vô cùng sai lệch.

lan1.jpg
Bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc CDC Hà Nội.

Cụ thể, theo bà Lã Thị Lan, trong phim "Lửa ấm" chiếu cảnh một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện và sau đó bác sĩ nói anh đã bị phơi nhiễm HIV.

"Đó là cách tuyên truyền sai, bởi vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm là bị phơi nhiễm. Việc này dễ dẫn đến tới đây chẳng may có ai đó bị tai nạn giao thông thì ai dám cấp cứu người bị tai nạn...", bà Lan nói.

Theo cảnh trong phim, sau khi chìa ra kết quả của bệnh nhân dương tính với HIV, các bác sĩ trao đổi với nhau và cho rằng, nữ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân đã bị phơi nhiễm HIV rồi nên phải cách ly 2 ngày để phòng chống lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng. Theo bà Lan, việc xử lý phơi nhiễm HIV trong bộ phim tuyên truyền đã sai một cách nghiêm trọng.

"Tất cả các bác sĩ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS của chúng tôi đều dậy sóng sau câu nói này. Có lẽ do truyền thông dịch Covid-19 mạnh quá và Covid-19 phải cách ly 14 ngày còn HIV nhẹ hơn nên trong phim mới có yêu cầu cách ly 2 ngày như vậy. Thực sự chúng tôi rất buồn về việc này", bà Lan bày tỏ.

luama.jpg
Nhân vật Thuỷ (trái ảnh) và Hoàng (thứ hai từ phải sang) nghi ngờ bị nhiễm HIV trong phim Lửa ấm đang khiến người làm chuyên môn phòng chống HIV/AiDS phản ứng.

Phân cảnh tiếp theo nữa, theo bà Lan là cảnh người nhà cô bác sĩ trong phim rất hoảng hốt, tưởng như "phơi nhiễm HIV là chết đến nơi" và cô bác sĩ này cũng nhắn tin cho con với những lời lẽ như là lời cuối. Theo bà Lan, việc việc xử lý phơi nhiễm đã được tuyên truyền rất nhiều ngay từ khi có dịch HIV, nhưng vẫn vẫn bị hiểu sai nghiêm trọng.

Bà Lan cũng cho hay, có nhiều trường hợp bị phơi nhiễm rất sâu như bác sĩ mổ bị xương của bệnh nhân nhiễm HIV cắt đứt tay, hay trường hợp hy hữu khi người nghiện nhiễm HIV sau khi bị lấy máu, biết sẽ phải đi cai nghiện tập trung đã giật xi-lanh máu bơm ngược lại vào bác sĩ, đây là ca nặng nhất, tất cả những ca phơi nhiễm thế nhưng đều không bị nhiễm HIV.

"Mới có phơi nhiễm đã hoảng hốt rồi cách ly 2 ngày... sẽ làm cho cộng đồng sợ HIV. Thực sự đó là sai về chuyên môn rất nghiêm trọng, mặc dù vấn đề đó rất phổ thông, vấn đề này không cần các chuyên gia. Nhưng sai như vậy lại chiếu trên VTV1 vào giờ vàng, rất nhiều người xem", bà Lan nhấn mạnh.

Thảo Nguyên