Cô giáo lọt top 10 giáo viên toàn cầu ước gì trong ngày 20/11?
Giáo dục - Ngày đăng : 18:05, 19/11/2020
Đó là chia sẻ của cô Hà Ánh Phượng – giáo viên Trường THPT Hương Cần – huyện Thanh Sơn – tỉnh Phú Thọ bên lề chương trình chia sẻ cùng thầy cô năm 2020. Cô Phượng là người dân tộc Mường, mới đây cô lọt vào top 10 giáo viên toàn cầu, đồng thời là 1 trong 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số năm 2020.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, cô từ bỏ mức lương cao của tập đoàn nước ngoài để quyết định gắn bó với nghề giáo, bởi vậy trong cô luôn đau đáu làm sao để đổi mới phương pháp dạy, tạo học sinh hứng thú trong mỗi giờ học của mình.
Cô Phượng chia sẻ: “Học sinh vùng núi rất thiếu môi trường để học tiếng Anh bởi vậy mỗi tiết học của tôi tôi cố gắng truyền hết khả năng của mình để các em có thể hiều bài, hứng thú khí học. Ví dụ, trong sách giáo khoa tiếng Anh lớp 10 có bài với chủ đề “Đa dạng văn hoá”, lúc đó tôi đã giả sử tình huống có một nhóm học sinh nước ngoài về trường, các em hãy giới thiệu văn hoá cho các bạn đó. Khi đó, tôi linh động biến bài giảng của chúng tôi để học sinh giới thiệu văn hóa của Việt Nam với nhiều chủ đề khác nhau”.
“Các em có thể giới thiệu về Tết cổ truyền, hay giới thiệu về tết của người Mường, cách bày bố mâm ngũ quả của người Mường.... Thêm vào đó, trực tiếp kết nối với các bạn nước ngoài để các bạn học sinh nước ngoài có thể xem học sinh của tôi làm nem, làm xôi,… Tôi nghĩ những tiết học ấy rất thiết thực, vì đó là cơ hội để các bạn củng cố lại nét đẹp văn hoá dân tộc mình”, cô Phượng nói thêm.
Ngôi trường nơi cô công tác thuộc một huyện miền núi, 85% là người dân tộc thiểu số. Mặc dù khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng cô Phượng đã biến những khó khăn đó thành động lực. Đặc biệt, khi áp dụng mô hình lớp học xuyên biên giới để học sinh của mình có cơ hội tiếp xúc với các bạn nước ngoài trên thế giới trao đổi kiến thức, kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh tốt hơn.
“Không thể bằng các bạn học sinh thành phố hay những quốc gia phát triển nhưng tôi đã áp dụng mô hình lớp học xuyên biên giới, kết nối học sinh của mình với bạn bè, thầy cô trên toàn thế giới thông qua diễn đàn Giáo viên sáng tạo của Microsoft. Qua đó, học sinh của tôi không chỉ tăng được kiến thức mà còn tăng được sự tự tin, tăng khả sử dụng công nghệ thông tin và truyền bá được vẻ đẹp của văn hoá Viện Nam. Trong các tiết học của tôi, tôi cũng lồng ghép những nội dung liên quan đến bản sắc văn hoá dân tộc để lan toả đến bạn bè thế giới”, cô Phượng nói.
Cô Phượng cũng cho biết thêm, nhiều người nghĩ học sinh dân tộc thiểu số thì học tiếng Anh rất khó khăn, nhưng tôi thì lại nghĩ khác bản thân các em sinh ra đã có thể nói được 2 thứ tiếng rồi, vì vậy tôi nghĩ việc học ngôn ngữ thứ 3 là không hề khó, cái khó ở đây là môi trường học.
“Tôi rất muốn trong các phương pháp giảng dạy của tôi sẽ khắc phục được yếu tố khó khăn của môi trường, để các em có thể phát huy được năng lực và phát triển được phẩm chất tốt nhất”, cô Phượng nhấn mạnh.
Khi nói về mong ước của mình trong ngày 20/11 cô Phượng cười và nói: “Tôi mong muốn trong tương lai các trường học tại Việt Nam sẽ có thêm nhiều phòng máy hơn, nhà nước sẽ đầu tư thêm nhiều phòng học thông minh cho học sinh. Mong mô hình trường học hạnh phúc sẽ lan toả đến các thầy cô để mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.