Thái Nguyên: Hội phụ nữ tích cực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 15:05, 19/11/2020
Bằng việc cụ thể hóa và triển khai thành công Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tiêu chí “3 sạch” được các cấp Hội LHPN lựa chọn ưu tiên thực hiện gắn với tiêu chí 17 về môi trường của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều hoạt động cụ thể. Hội luôn xác định trách nhiệm là lực lượng nòng cốt cùng với các ngành tham gia phối hợp, chung tay bảo vệ môi trường. Trong nhiều năm qua, tổ chức Hội đã lựa chọn triển khai một số mô hình đạt hiệu quả như: Mô hình “3 có” trong phân loại và xử lý rác thải tại nguồn (Có túi đựng rác tiết kiệm - Có túi đựng rác nilon - Có hố rác gia đình); “Chi hội phụ nữ thực hiện tiết kiệm từ việc thu gom rác thải tái chế”; Mô hình “Vườn nông nghiệp an toàn gắn với gia đình 5 không 3 sạch”; “Ủ phân hữu cơ vi sinh đa chủng từ phế thải nông nghiệp hộ gia đình”; “Chi hội phụ nữ điển hình 5 không 3 sạch NTM”; … Bên cạnh đó, Hội đã chủ động xây dựng đề án và đề xuất với Công ty bếp sạch Việt Nam INTRACO tiếp nhận 56.000 bếp đun tiết kiệm để tập trung hỗ trợ các xã về đích Nông thôn mới năm 2019 - 2020, các xóm/xã nông thôn kiểu mẫu. Đây là loại bếp có nhiều ưu điểm, giảm khói bụi; tiết kiệm lượng nhiên liệu tiêu thụ; tiết kiệm thời gian nấu bếp, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà; di chuyển tiện lợi, tận dụng được tro là phân bón cho cây trồng và cải tạo đất.
Phong trào trồng hoa ven đường thay cỏ dại được hội viên và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh xây dựng được đoạn đường hoa, con đường hoa với tổng chiều dài trên 200km, chủ yếu là các loại hoa mười giờ, hoa chiều tím.
Hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm được Hội triển khai gắn với đề án “Hỗ trợ phụ nữ tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, giai đoạn 2017 - 2020”. Với mục tiêu sạch từ chế biến đến khâu tiêu dùng, từ tháng 01/2019, Hội đã chỉ đạo thực hiện mô hình điểm “Chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ đỗ tương an toàn theo hướng hữu cơ” tại xã Yên Trạch (huyện Phú Lương). Đây là mô hình được thực hiện với mục đích cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe và được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu lựa chọn giống, tổ chức sản xuất đến việc chế biến các sản phẩm từ đậu tương. Hiện nay, sản phẩm đậu phụ của mô hình được cung cấp một phần cho Công ty may TNG, trường học và một số nhà hàng tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, sản lượng trung bình hiện nay 3 tấn/tháng. Từ việc đánh giá mô hình, Hội đang chỉ đạo mô hình chuỗi sản xuất rau xanh an toàn tại phường Túc Duyên (TP Thái Nguyên), mô hình chuỗi sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xã Phúc Trìu (TPTN) và xã La Bằng (Đại Từ),…
Với những kết quả đã đạt được, tập thể Hội LHPN tỉnh vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và tặng bằng khen vì đã có thành tích trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có các hoạt động của Hội trong giai đoạn 2015 - 2020, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, vận dụng sáng tạo các nội dung thi đua, phù hợp với từng địa bàn, từng thời điểm. Từ thực tiễn phong trào, tổ chức Hội không ngừng được củng cố, phát triển, động viên, khích lệ cán bộ, hội viên, phụ nữ hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, góp phần vào kết quả chung của phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh.
Một trong các phong trào thi đua được các cấp Hội tập trung triển khai thực hiện, hội viên hăng hái hưởng ứng và được đánh giá cao là phong trào thi đua phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
“Với phong trào này, hàng năm, 100% các cơ sở Hội đều xây dựng chỉ tiêu thi đua, đăng ký với Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM cùng cấp đảm nhận công trình, phần việc cụ thể. Hội LHPN tỉnh đã ký kết với 12 sở, ngành để phối hợp thực hiện cuộc vận động xây dựng 5 không, 3 sạch; xây dựng các mô hình điểm tham gia xây dựng NTM, như: Mô hình “Vườn nông nghiệp an toàn gắn với gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”, “Chi hội PN điển hình 5 không 3 sạch”, “Chi hội phụ nữ nòng cốt tham gia xây dựng NTM”…. Từ mô hình điểm Hội LHPN tỉnh đánh giá, nhân rộng trên địa bàn- bà Giang cho biết.
Với trên 5.200 mô hình câu lạc bộ với các tên gọi khác nhau (“Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Phụ nữ với vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ với pháp luật”...), phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã và đang được các cấp Hội thực hiện đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Ngoài ra, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, hoạt động công tác xã hội được các cấp hội thực hiện thường xuyên. Hội đã vận động được 5,4 tỷ đồng để tổ chức chương trình “Tuần cao điểm tết vì người nghèo”; xây dựng 185 nhà “Mái ấm tình thương”, sửa chữa 30 nhà cho phụ nữ nghèo; thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Cao Bằng…
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên rất coi trọng chung tay xây dựng Chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước. Chương trình đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp xã hội. Tại diễn đàn, các cấp hội phụ nữ, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đã được các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp..
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cho biết “10 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông nghiệp- nông thôn của tỉnh đã có nhiều bước chuyển biến mới mẻ cả lượng và chất. Có được thành công đó là có sự tham gia toàn hệ thống chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hội Phụ nữ đóng góp vai trò quan trọng tại cơ sở mỗi địa phương, nhiều phong trào, mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả cao góp phần phát triển kinh tế giảm nghèo; mô hình 5 không- 3 sạch góp phần hiệu quả tiêu chí môi trường; nhiều HTX, mô hình tham gia sản xuất thương hiệu OCOP chất lượng cao trên địa bàn trong ngoài nước đánh giá cao.