Văn kiện cần có sự phân định rõ hơn vị trí, vai trò của từng thiết chế tư pháp

Chính trị - Ngày đăng : 09:26, 25/10/2020

TS. Nguyễn Văn Luật - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ nội dung trên khi góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Theo TS. Nguyễn Văn Luật - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội các Văn kiên: Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đều có nội dung quan trọng về định hướng cải cách tư pháp ở nước ta trong thời gian tới. Định hướng cải cách tư pháp trong các văn kiện của Đảng kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp XHCN Việt Nam, tiếp tục phát triển nền tư pháp đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.

Cải cách tư pháp theo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII và các Nghị quyết về cải cách tư pháp của Đảng trong thời gian qua đã xác định rõ mục tiêu cơ bản là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam XHCN”. Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân...”. Như vậy, trong Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, Đảng tiếp tục kế thừa các mục tiêu cơ bản đối với định hướng xây dựng nền tư pháp trong thời gian tới, đó là: nghiêm minh, trong sạch, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đồng thời, định hướng cải cách tư pháp theo văn kiện của Đảng cũng được bổ sung phát triển nhiều mục tiêu cơ bản mới, như: chuyên nghiệp, công bằng, liêm chính. Đây là bước chuyển mới về chất, thể hiện bản chất của nền tư pháp. Qua đó kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc và tiếp cận giá trị của tư pháp hiện đại trên thế giới. Một nền tư pháp công bằng, liêm chính mới thể hiện được giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền XHCN, của chế độ ta, tăng cường uy tín và lòng tin của nhân dân đối với chế độ và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng sử dụng các thuật ngữ như: Hoạt động tư pháp; các thiết chế tư pháp. Đồng thời xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của các thiết chế tư pháp, hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, khái niệm “Các thiết chế tư pháp” có nội hàm như thế nào thì chưa được thể hiện rõ trong Văn kiện. Phải chăng có thể hiểu các thiết chế tự pháp bao gồm: Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án, cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp..

Bên cạnh đó, Văn kiện cũng xác định mục tiêu xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo vệ pháp luật, công lý.... Với cách thể hiện như trên thì các thiết chế tư pháp đều có trọng trách như nhau là bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý... Tuy nhiên, về định hướng cải cách tư pháp, Văn kiện cần có sự phân định rõ hơn vị trí, vai trò của từng thiết chế tư pháp, gắn với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đó là: Vị trí, vai trò của TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Văn kiện thể hiện định hướng chung là: “Xây dựng và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tuy tín của TAND, VKSND, Cơ quan điều tra, Cơ quan Thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp...”. Đây mới là định hướng chung mang tính nguyên tắc. Văn kiện cần thể hiện rõ hơn những nội dung quan trọng như:

Định hướng tiếp tục đổi mới tổ chức của TAND bảo đảm cho TAND thực hiện tốt chức năng bảo vệ công lý, độc lập khi xét xử, giữ được liêm chính, uy tín...

Hoàn thiện các nguyên tắc, quy trình tố tụng bảo đảm công khai, minh bạch, an toàn pháp lý cho các tổ chức, cá nhân, dễ tiếp cận công lý, chi phí thấp...

Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng để có những cải cách cơ bản về quy trình tố tụng, qua đó mới đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, nhất là các tranh chấp về kinh doanh - thương mại. Đây là vấn đề các doanh nghiệp, nhà đầu tự đặc biệt quan tâm.

Để đạt được mục tiêu xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, hiệu quả thì Nhà nước cần phải quan tâm đầu tư thỏa đáng cơ sở vật chất cho Tòa án và các thiết chế tư pháp khác, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp.  Bên cạnh đó, cần sớm triển khai mạnh mẽ Tòa án điện tử.

PV