Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính tăng
Chính trị - Ngày đăng : 12:34, 26/10/2014
Tình trạng diễn biến phức tạp
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng, đã khởi tố điều tra gần 26.000 vụ với gần 56.000 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, giảm 1,59% về số vụ, các ĐBQH một mặt đánh giá cao những nỗ lực của ngành Công an, song cũng bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Khá, ĐBQH tỉnh Trà Vinh, gần đây đang nổi lên những loại hình tội phạm mới, đó là tội phạm giết người tàn bạo, man rợ, chặt xác phi tang, băng nhóm tội phạm bảo kê, đòi nợ thuê khiến dư luận hết sức lo lắng và bất bình.
ĐB Nguyễn Thị Khá tham gia ý kiến tại Đại hội
ĐB Khá nói: Bản thân tôi cũng như dư luận trong nhân dân rất bức xúc trước sự xuống cấp đạo đức, lối sống xa đọa biến chất, hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân còn quá thấp kém. Điển hình như vụ hai vợ chồng người em giết vợ chồng người anh chỉ vì tranh giành miếng đất. Vì sao họ nghĩ rằng, chỉ cần giết người thì mình sẽ được thừa hưởng tài sản, không còn ai tranh chấp nữa?
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nêu, một số loại tội phạm mới nảy sinh nhưng lại có chiều hướng gia tăng như: tội phạm trong nội bộ gia đình, con cái ngược đãi cha mẹ, cha mẹ bạo hành con; bạo lực học đường, học trò đánh thầy cô; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân truy đuổi, hành hung y, bác sỹ... Điều này cho thấy kỷ cương pháp luật chưa nghiêm, đạo đức xã hội xuống cấp.
ĐB Trịnh Thanh Bình (Bến Tre) bày tỏ lo ngại: "Trong một đất nước thái bình mà hàng ngày có nhiều người bị giết hại, đề nghị Chính phủ và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm đến tình hình này".
Trước thực trạng trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng bên hành lang QH đã phân tích, Nếu tội phạm hoạt động đơn lẻ, thì quá trình đấu tranh thuận lợi hơn so với tội phạm liên kết, hình thành các băng, nhóm… Bộ Công an cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa đấu tranh với loại tội phạm hoạt động băng nhóm.
Theo đó, ông Hùng đề xuất: Thứ nhất, cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật; thứ hai, phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh, trấn áp các băng nhóm tội phạm hình thành ngay từ giai đoạn đầu; thứ ba, phải tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và hợp tác quốc tế.
Về vấn đề “bảo kê” cho tội phạm, ông Hùng cũng cho rằng, cần phải làm rõ để có biện pháp đấu tranh hiệu quả. Khi đã xảy ra chuyện “bảo kê” là rất nguy hiểm, thứ nhất là quá trình xác minh, đấu tranh khó khăn; thứ hai, khiến cho pháp luật mất đi sự nghiêm minh; thứ ba, làm giảm niềm tin của người dân với các lực lượng chức năng và với cơ quan công quyền. Vì vậy, người dân mong Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an cần xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những trường hợp bảo kê, hỗ trợ cho băng nhóm thực hiện các hành vi phạm tội.
Tội phạm ngân hàng, tài chính tăng
Báo cáo của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho thấy, trong năm qua tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán nổi lên, với hơn 300 vụ án bị khởi tố, như các vụ Agribank, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Thiên thanh, Ban quản lý dự án đường sắt (Tổng công ty đường sắt)...
Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình thì chỉ ra tội phạm về tham nhũng vẫn xảy ra nhiều, đã phát hiện nhiều vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt số tài sản lớn tại các ngân hàng, trong thực hiện các dự án lớn của Nhà nước.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng phát biểu bên lề QH
Qua kiểm sát, đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 5 vụ án về tham nhũng. Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố điều tra 17 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm 38,6% số vụ án thụ lý điều tra. Bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm 8,2% còn bị cáo phạt cải tạo không giam giữ giảm 66,6% so với năm 2013.
Tuy nhiên, ĐB Trịnh Thị Thanh Bình, Chánh án TAND Bến Tre, cho rằng, con số thực tế các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm về kinh tế, tài chính, ngân hàng trên thực tế cao hơn nhiều so với các con số báo cáo.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận xét, các loại tội phạm về kinh tế, chức vụ đang là một mảng tối đáng báo động trong bức tranh tư pháp năm qua, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chế độ.
Báo cáo của Chánh án Tòa án NDTC Trương Hòa Bình lại khẳng định, không có trường hợp nào toà án kết án oan người không có tội.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, công tác thi hành án, đặc biệt là việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc còn nhiều bất cập.
Thảo luận các báo cáo này, mỗi ĐB nêu lên một khía cạnh bất cập, nhưng có chung nhận định, nếu không khắc phục những hạn chế đó sẽ dẫn đến suy giảm lòng tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật.
Ông Hà Văn Thắm bị bắt: Đại biểu Quốc hội nói gì?
Liên quan đến việc ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương – Ocean Bank bị khởi tố, bắt giam vừa qua, bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội 13, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh:
Đúng là lĩnh vực tội phạm kinh tế là một lĩnh vực khá nghiêm trọng, nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay, khâu quản lý có kẽ hở, chưa chặt, lợi dụng điều này tội phạm kinh tế diễn ra khá phức tạp. Trong lĩnh vực ngân hàng vừa qua, ta thấy cán bộ nhân viên ngân hàng móc ngoặc, lợi dụng kẽ hở pháp luật để chiếm dụng tài sản nhưng đã được phát hiện và bị xử lý. Ở nước ngoài người ta quản lý khá tốt việc cho vay vốn.
Ví dụ, cho vay tiền vay vốn, ngoài có bảo lãnh nhưng anh vẫn phải kiểm soát được đồng tiền. Cụ thể, nước ngoài người ta cho vay 2 tỷ đồng, thì không phải một lúc họ đưa cho hết ngay, mà chỉ đưa trình tự, phải giám sát tiền sử dụng đúng không, hiệu quả không thì người ta mới gửi tiếp. Vay để sản xuất kinh doanh, nhưng lại đầu cơ bất động sản, khi đóng băng ngân hàng lại gánh nợ xấu, điều này phải chấn chỉnh lại để quản lý chặt chẽ.
Tuy nhiên, ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, trong xử lý tội phạm ngân hàng lợi ích nhóm cũng có thể có, nhưng chỉ có chừng mực thôi. Qua một số vụ lớn như vụ “bầu Kiên” vẫn bị xử lý nghiêm khắc như thế thì cản trở cũng không phải là vấn đề.
Nhằm làm trong sạch hệ thống ngân hàng, ông Thảo đề xuất, quan trọng nhất đối với ngân hàng là niềm tin của công chúng. Niềm tin của người dân và người gửi tiền. Nếu họ biết tiền của họ được đảm bảo, sinh sôi nảy nở thì là điều rất quan trọng. Hôm trước có vị đại biểu nói, thành quả của ngân hàng hiện nay tồn tại được và người ta tin không thể đổ vỡ vì có Đảng, Chính phủ và nhà nước không bao giờ để nó đổ vỡ. Nhưng để nó thực sự hiệu quả thì phải kiện toàn bộ máy tổ chức cho tốt hơn.
Ví dụ, ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn, một trong bốn ngân hàng chủ chốt của nhà nước, nhưng cán bộ ở đó liên tục thay đổi vì có người bị truy tố. Nếu tổ chức yếu kém, vi phạm thì phải thay thế, vi phạm phải xử lý nghiêm túc. Đó cũng là điều chúng ta tin tưởng, không thể để cho ngân hàng sụp đổ.
Chúng ta phải có những ngân hàng chủ lực, phải đảm bảo cho sự phát triển, còn những anh kém cỏi không nên tiếp tục tồn tại thì cũng nên để cho “chết”. “Chết” ở đây nghĩa là có thể cho phá sản, giải thể, sáp nhập.
Theo báo cáo của ngành Kiểm sát, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố điều tra 17 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm 38,6% số vụ án thụ lý điều tra. Bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm 8,2% còn bị cáo phạt cải tạo không giam giữ giảm 66,6% so với năm 2013. |