Đại biểu đề nghị không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật với 2 bộ quản lý

Chính trị - Ngày đăng : 20:54, 16/11/2020

Ngày 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường hai dự án luật: Luật giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Hầu hết các phát biểu thảo luận phản đối việc tách thành hai dự án luật thuộc hai bộ quản lý như Chính phủ trình.

Không đưa quản lý đào tạo lái xe sang Bộ Công an

Thảo luận tại hội trường chiều nay, nhiều ĐB tiếp tục không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật (Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ) như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, ĐB cũng đề nghị cân nhắc cẩn trọng việc thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

202011161558335262_nguyen-thi-viet-nga-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-hai-duong-1-.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trước đây đã có thời gian, lĩnh vực này do Bộ Công an quản lý. Qua nghiên cứu sửa đổi, công tác này được giao cho Bộ GTVT thực hiện. Như vậy là phù hợp với thực tiễn và phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 17 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Sau 25 năm triển khai thực hiện, hệ thống nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của ngành giao thông ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hóa… Nhà nước cũng đã đầu tư kinh phí rất nhiều cho lĩnh vực này để thực hiện những chức năng đó. Vậy nên, việc thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tránh lãng phí tiền của nhà nước, ĐB nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐB hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cũng nhận định: Cơ sở tách thành hai luật không thuyết phục. Chẳng hạn, lĩnh vực giao thông đường bộ mang tính chuyên ngành, chuyên sâu nên nếu tách lĩnh vực này thì về sau có tách các lĩnh vực giao thông đường hàng không, đường thủy… hay không?

Bên cạnh đó, về mục tiêu xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì 6 chính sách của dự thảo luật này hoàn toàn nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ. Hơn nữa, việc tách ra chắc chắn sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính, là vấn đề không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, khiến chẻ đôi thủ tục hành chính.

Nhiều hệ lụy…

Đại biểu Lưu Bình Nhường cũng cho rằng, ngoài ra, việc thay đổi sẽ gây hệ lụy về tổ chức thi hành pháp luật kèm theo những xung đột về nhiệm vụ, thẩm quyền, lợi ích, có thể xâm phạm quyền lợi của Nhà nước, người dân, lãng phí các nguồn lực, sau này sẽ dẫn đến quyền anh, quyền tôi. Đặc biệt, sẽ phá vỡ nhiều nội dung trong Luật Giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua năm 2008.

202011051754531265_luu-binh-nhuong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-ben-tre-2-.jpg
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Theo ĐB, nếu tách hành vi của con người ra khỏi hoàn cảnh là sai về mặt nguyên lý: Một cơ quan quản lý về hạ tầng, một cơ quan quản lý về con người là không đồng bộ, hạ tầng với con người phải đi cùng với nhau. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng không có việc tách thành hai luật ở lĩnh vực này. Vậy nên đề nghị Quốc hội giao lại cho Chính phủ nghiên cứu lại vấn đề này; đề nghị Bộ Giao thông vận tải hết sức nghiêm túc trong quá trình cho ý kiến, đánh giá các vấn đề liên quan đến giao thông.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tách thành hai luật, luật vì “không hợp lý” và chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.

Theo ĐB, nếu tách thành hai luật sẽ tạo nhiều hệ lụy, đó là: Kỷ cương phép nước khó được tuân thủ; dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. Quy định hiện hành, ngành giao thông vận tải được pháp luật giao chủ trì quản lý nhà nước về các lĩnh vực giao thông vận tải từ đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, với 5 mục tiêu “không thể tách rời” là: an toàn, thông suốt, thuận tiện, kinh tế và thân thiện với môi trường.

Từ đó, ĐB đề nghị, dự thảo Luật Giao thông đường bộ nên sửa đổi theo hướng Bộ GTVT tiếp tục chủ trì chính trong quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ bao gồm cả an toàn giao thông đường bộ; đồng thời phân công trách nhiệm các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ khác nhau để tránh trùng lặp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng: Hai luật tuy điều chỉnh các nội dung khác nhau nhưng đều phải đặt trong tổng thể xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ. Để phân định được phạm vi điều chỉnh, cần phải tiếp tục rà soát để tránh các quy định bị chồng chéo, trùng lặp. Nhiều ý kiến ĐB đề nghị phải đánh giá kỹ, làm rõ sự cần thiết có nên tách thành 2 luật hay không; việc tách 2 luật là không phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến đồng tình với đề nghị của Chính phủ.

Về vấn đề về tách hay không tách luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề này, trong kết luận Phiên họp thứ 48 khi đồng ý bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật và để trình Quốc hội cho ý kiến, UBTVQH cho rằng “việc Chính phủ tách nội dung giao thông đường bộ thành 2 luật riêng biệt cần phải cân nhắc thật kỹ và xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10”, do đó vấn đề này Quốc hội sẽ quyết định.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội trường hôm nay và ý kiến thảo luận tại tổ, UBTVQH sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về cả 2 dự án luật và báo cáo với Quốc hội theo quy trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Trước đó, khi thảo luận tại tổ về dự thảo luật này, nhiều ĐB cũng đã không đồng tình với việc tách thành hai dự án luật với hai bộ quản lý là Bộ Công an và Bộ GTVT. Nhiều ĐB còn ví von việc tách này giống như ta "chữa lợn lành thành lợn què. Con lợn có 4 chân, giờ phải xẻ thành 2 con lợn mỗi con có 2 chân…".

Các ĐB cũng cho rằng cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa ra dự thảo luật và đề nghị Quốc hội lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo.

Mai Thoa