Vụ gây thất thoát hàng trăm tỷ tại CTLT Hậu Giang: Các bị cáo không đồng tình với tội danh truy tố
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 09:24, 21/02/2019
Các bị cáo gồm: Võ Trường Hùng (nguyên Tổng Giám đốc), Đặng Hoàng Việt (nguyên Phó Tổng giám đốc), Trần Xuân Mãi (nguyên Kế toán trưởng Công ty), Lê Trần Quang Thái (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty) và Võ Thị Thu Hà (Giám đốc Công ty TNHH XNK – TM Võ Thị Thu Hà) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Huỳnh Văn Thông (Phó Tổng giám đốc kiêm nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CPLTHG) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng của VKSTC, bị cáo Võ Trường Hùng là người đại điện 10% phần vốn Nhà nước, Tổng giám đốc CTLT Hậu Giang là người đại diện trước pháp luật, Hùng biết rõ chức trách, nhiệm vụ, quyên hạn, các quy định về việc mua bán hàng hoá, ứng trước tiền hàng, đã có hành vi ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Công ty MT CENTERTRADE CO.LTD (Thái Lan), tổng giá trị hợp đồng trên 41 triệu USD, tương đương 868 tỷ đồng, cao hơn 40% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp và không thông qua Hội đồng quản trị, chuyển tiền ứng trước cho Võ Thị Thu Hà vượt 10% so với quy định, không kiểm tra nguồn hàng, không xác định số lượng thực có trong kho nhưng vẫn ký bán lại số lượng gạo đã mua của Công ty Hà gây thiệt hại trên 32 tỷ đồng.
Hùng còn cấu kết với Hà lập khống 14 hợp đồng khống mua 71.000 tấn gạo, ký các chứng từ thanh toán, quyết toán không đúng quy định và chỉ đạo các bị can Đặng Hoàng Việt, Trần Xuân Mãi, Lê Trần Quang Thái thực hiện các hành vi ký hợp đồng và lập các chứng từ thanh toán không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang số tiền trên 172 tỷ đồng. Tổng số tiền Võ Trường Hùng đã gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang trên 205 tỷ đồng.
Bị cáo Võ Trường Hùng tại phiên toà
Với vai trò là Ủy viên Hội đồng quản trị CTLT Hậu Giang, người đại diện 10% vốn nhà nước tại CTLT Hậu Giang, Đặng Hoàng Việt được giao chức vụ Phó Tổng giám đốc CTLT Hậu Giang nhưng đã ký các biên bán thanh lý hợp đồng mua, bán; các hóa đơn mua, bán hàng: ký duyệt chỉ ứng tiền, thanh toán, thực hiện không đúng quy định gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang số tiền 133 tỷ đồng.
Là người tham mưu, giúp việc cho của Hùng về công tác tài chính kế toán, Trần Xuân Mãi, nguyên Kế toán trưởng CTLT Hậu Giang đã tham gia cùng Hùng hợp thức thủ tục các hợp đồng mua, bán gạo, ký các chứng từ để CTLT Hậu Giang chuyên tiền cho Công ty Võ Thị Thu Hà không đúng quy định gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang trên 172 việc Mãi viết Bản kiến nghị số 225/CPLTHG/TCKT ngày 29/11/2013 gửi Ban kiểm soát công ty kiến nghị kiểm tra, giám sát những bất thường trong giao dịch mua bán của Hùng khi đó việc ký các hợp đồng, chuyển tiền cho Công ty Võ Thị Thu Hà đã thực hiện xong.
Từ năm năm 2012-2013, dưới sự chỉ đạo của Hùng, Lê Trần Quang Thái nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh CTLT Hậu Giang đã cùng Hùng hợp thức các hợp đồng mua bán, các biên bản kiểm tra xác nhận và giao nhận hàng hóa trái quy định gây thiệt hại cho CTLT Hậu Giang số tiền gần 70 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Thông có với vai trò là nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CPLTHG, đại diện trên 23% vốn nhà nước tại Công ty nhưng lại không thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị, giám sát
Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của Công ty, để Hùng làm trái quay định của Nhà nước trong một thời gian dài gây thất thoát số tiền trên 205 tỷ thất thoát phần góp vốn của Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
Sau khi VKSTC công bố cáo trạng của các bị cáo, bước vào phần thẩm vấn của HĐXX các bị cáo Hà, Việt, Thái, Mãi, Thông đều không đồng tình với bản cáo trạng mà VKSTC đã truy tố, chỉ riêng bị cáo Võ Trường Hùng đồng ý với cáo trạng.
Tại phần thẩm vấn của HĐXX đối với bị cáo Võ Thị Thu Hà khẳng định, bị cáo không phạm tội như VKSTC truy tố. Bị cáo Hà cho rằng, các hợp đồng mua bán với CTLT Hậu Giang chỉ là các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại thuần túy giữa các bên, thuận mua vừa bán không có dấu hiệu hình sự. Toàn bộ 14 Hợp đồng công ty LTHG mua gạo (trong đó 4 Hợp đồng mua của Thu Hà và 10 Hợp đồng mua của 8 công ty vệ tinh) đều do người đại diện hợp pháp của các bên ký trên cơ sở tự nguyện. Các hợp đồng phục vụ cho việc kinh doanh gạo theo chức năng, ngành nghề đã được đăng ký kinh doanh, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không phải là hàng hóa bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh. Hợp đồng đảm bảo điều kiện có hiệu lực pháp luật.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào hôm nay (21/2) và dự kiến sẽ nghị án trong vài ngày tới.
Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang (viết tắt là CTLT Hậu Giang với vốn điều lệ 54 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Tổng Công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp Nhà nước góp 53,28%, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang góp 46,39% và Hợp tác xã dịch vụ Vị Đông 1 góp 0,33% vốn điều lệ. Ngày 29/12/2011, Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Nam ra Quyết định số 305/QĐ- HĐTYV cử ông Huỳnh Văn Thông, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam đại diện 23,28% (phần vốn Nhà nước) trên vốn điều lệ, được giao làm Chủ tịch HĐQT CTLT Hậu Giang; ông Nguyễn Thơ, Phó Tổng Giám đốc, đại diện 10% (phần vốn Nhà nước) vốn điều lệ; ông Đặng Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc đại diện 10% (phần vốn Nhà nước) vốn điều lệ; ông Võ Trường Hùng, Phó Phòng tài chính kế toán Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đại diện 10% (phần vốn Nhà nước) vốn điều lệ, được giao làm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của CTLT Hậu Giang, ông Đặng Cao Trí, Phó Tổng Giám đốc, đại diện 36,39% vốn góp của UBND tính Hậu Giang; Ông Huỳnh Văn Thạnh, Phó Tổng Giám đốc, đại diện 10% vốn góp của UBND tỉnh Hậu Giang: Ông Phạm Trung Tán, đại điện 0,33% vốn góp của HTX dịch vụ Vị Đông l. |