Cưỡng chế thủy điện Thượng Nhật vi phạm quy định chống bão
Đời sống - Ngày đăng : 17:00, 14/11/2020
Hiện nay, đơn vị quản lý Thủy điện Thượng Nhật đã chấp hành lệnh mở hoàn toàn các cửa van.
Chính quyền địa phương xã Thượng Nhật và huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) sẽ trực tiếp giám sát việc mở các cửa van này.
Trước đó, trong các văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa bão, tỉnh Thừa Thiên-Huế đều yêu cầu những công trình thủy điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, xả nước để phòng lũ.
Tỉnh cương quyết xử lý các chủ đập không thực hiện đúng pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Công trình Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước. Tuy nhiên, đơn vị quản lý công trình này nhiều lần vi phạm quy định, tự ý tích nước hồ.
Cuối tháng 10/2020, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị không mua điện đối với Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật, cho đến khi được các cơ quan chức năng cho phép tích nước.
Cùng ngày 14/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 190/TWPCTT gửi Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện.
Theo đó, trong thời gian qua, phần lớn các thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành; điển hình như trường hợp thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông) và gần đây nhất là thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) gây mất an toàn cho hạ du. Các sự việc trên đã được phản ảnh nhiều trên các cơ quan thông tấn báo chí cũng như sự quan tâm của các đại biểu tại nghị trường Quốc hội.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện, trước mắt nhằm chủ động ứng phó với bão số 13 và mưa lũ sau bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ hồ và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về tích nước, vận hành cũng như các phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa theo quy định. Phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Đối với trường hợp vi phạm tại thủy điện Thượng Nhật, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ; đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.
Sáng 14/11, bão số 13 đã mạnh lên cấp 13-14, giật cấp 17 và di chuyển nhanh hơn dự kiến, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát đi thông báo khẩn, thay đổi thời gian yêu cầu người dân không ra khỏi nhà để ứng phó với cơn bão nguy hiểm này.
Cụ thể, người dân trên địa bàn tỉnh không được ra khỏi nhà từ 12 giờ ngày 14/11 (trừ lực lượng chức năng, cứu hộ, cứu nạn) cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, các địa phương, lực lượng liên quan khẩn trương sơ tán dân ở các khu vực ven biển, ven sông có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng..., hoàn thành trước 9 giờ ngày 14/11.
Theo kế hoạch, các địa phương trong tỉnh đang hoàn tất việc di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 khẩu đến nơi an toàn. Trong ngày 14/11, học sinh trên địa bàn tỉnh cũng được thông báo nghỉ học.
Đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu gọi 2.062 tàu thuyền với 11.350 lao động đã vào bờ, phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tàu thuyền tránh trú, neo đậu tại bến.
Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu, thuyền trên sông, đầm phá.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đang rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền, các lán trại công trình đang xây dựng...