Bé trai sơ sinh mắc tật hiếm gặp "thai trong thai"
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:27, 10/11/2020
Ngày 10/11, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cho trẻ sơ sinh mắc hội chứng "thai trong thai" hiếm gặp.
Khi còn trong bụng mẹ, bé trai được chẩn đoán có khối u lớn trong ổ bụng. Sau khi chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), nặng 3,2 kg, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị tiếp.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, kết quả siêu âm và CT cho thấy ổ bụng của trẻ có khối hỗn hợp, nằm sau phúc mạc trái, kích thước 53x81 mm. Khối u to chèn ép các cơ quan nội tạng, thận lệch xuống vùng hố chậu, đẩy tụy ra trước, có mô mỡ, cột sống, hộp sọ, xương dài.
Dựa vào kết quả hình ảnh siêu âm kết hợp thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp thai trong thai và chỉ định phẫu thuật cho bé.
Khi bé được 13 ngày tuổi, các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhi lên bàn phẫu thuật. Trong lúc mổ, các bác sĩ gặp nhiều khó khăn do khối bướu to, nằm sát động mạch và tĩnh mạch chủ dưới. Nếu thao tác không chuẩn xác, mạch máu bị rách, trẻ có thể tử vong trên bàn mổ.
Sau 75 phút căng thẳng, ê-kíp bác sĩ đã cắt trọn khối u dạng thai. Bằng những giải pháp cầm máu hiệu quả, bác sĩ giúp bệnh nhi không cần phải truyền máu trong và sau cuộc mổ.
Sau hơn 1 tuần phẫu thuật, sức khỏe của bé đã ổn định, được chuyển ra phòng ngoài nằm với mẹ và bú được sữa.
Tật "thai trong thai" hay thai nhi trong bào thai (Fetus In Fetu) là bất thường sinh sản, khối mô giống như bào thai hình thành bên trong cơ thể.
Bất thường này được mô tả lần đầu vào năm 1808 bởi George William Young, tỷ lệ mắc bệnh 1/500.000 trẻ sơ sinh. Y văn thế giới ghi nhận hơn 100 trường hợp thai trong thai.
Không phải là tình trạng nguy hiểm chết người nhưng thai ký sinh có thể phát triển đủ lớn để gây biến chứng cho thai chủ. Khoảng 90% trường hợp "thai trong thai" được phát hiện lúc còn nhỏ và phẫu thuật trước khi gây biến chứng. Khi thai ký sinh được lấy ra, dù ở độ tuổi nào, thai chủ sẽ hồi phục bình thường.