Nhóm đối tượng trộn tạp chất với than pin vào hồ tiêu lĩnh án
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 20:29, 28/12/2018
Ngày 28/12, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo gồm Phan Thị Dung (SN 1962, trú tại thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, trú tại thôn Quảng Thành, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979) và Trần Ngưỡng (tên gọi khác là Trần Văn Tuấn, SN 1976, cùng trú tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) về tội "Vi phạm các quy định trong an toàn thực phẩm" theo điểm d khoản 3 Điều 317 BLHS năm 2015.
Các bị cáo tại phiên tòa
Theo cáo trạng, vào các năm 2003-2004, thông qua việc kinh doanh mua bán hạt tiêu, Phan Thị Dung – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung (gọi tắt là Công ty Thảo Dung) quen biết với Lê Thị Hồng Thơ – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tịnh Thơ Đắk Nông. Khoảng giữa năm 2015, Thơ biết một đối tượng mua bán hạt tiêu trộn tạp chất (gồm vỏ cà phê lẫn sỏi đá có màu đen, kích thước khoảng 2-3mm) vào hạt tiêu để bán. Thơ nảy sinh ý định lấy mẫu tạp chất đưa cho Dung xem. Sau đó, cả hai thống nhất với nhau: Thơ tìm người làm tạp chất bán cho Dung để Dung trộn vào hạt tiêu. Dung trả tiền vận chuyển trực tiếp cho lái xe, tiền mua tạp chất trả cho Thơ và Thơ được hưởng chênh lệch 1.000 đồng/kg.
Để có tạp chất trên, Thơ liên hệ với Loan và đặt mua 3 tấn. Sau khi Thơ đặt hàng, Loan lấy vỏ cà phê lẫn sỏi đá nhỏ được sàng, quạt ra từ 1 lô hàng cà phê rô 4 (là cà phê mẻ có lẫn vỏ) tưới nước, ủ một thời gian khi tạp chất chuyển sang màu đen, phơi khô đóng bao thuê xe tải chở đến giao cho Thơ. Để tránh bị phát hiện, Thơ tiếp tục sang xe tải khác chở đến giao cho Dung. Sau đó, Dung đem trộn tạp chất này vào hạt tiêu khô đã mua được của người dân rồi bán ra thị trường. Thấy lợi nhuận cao, Dung tiếp tục nhờ Thơ mua tạp chất của Loan trộn vào hạt tiêu để bán theo hợp đồng với một số bạn hàng.
Đến khoảng tháng 9/2015, Bảo đến sống chung với Loan như vợ chồng và cùng Loan làm hàng tạp chất bán cho Thơ. Trong quá trình mua bán, có một số chuyến hàng Dung trả lại cho Thơ vì tạp chất không đạt màu sắc với tiêu hạt khô (bị mốc, ẩm ướt, kích thước quá to hoặc quá nhỏ so với hạt tiêu). Khi Ngưỡng lên chở hàng về thì Dung đưa cho Ngưỡng một ít mẫu và nói đưa về cho Loan và Bảo làm đúng như mẫu. Ngưỡng đưa mẫu cho Loan và Bảo và nói trộn thuốc vào tạp chất để có màu đen và lắp lò sấy để sấy khô tạp chất. Sau đó, Loan và Bảo đi mua pin về, đập ra lấy bột pin cho vào thùng nước trộn đều rồi tưới vào tạp chất. Sau đó, tạp chất này được đưa vào máy trộn bê tông quay trộn đều, xong đưa lên lò sấy khô lấy ra tạp chất đúng theo yêu cầu của Dung. Tạp chất mua về, Dung giao cho công nhân trộn vào hạt tiêu với tỉ lệ khoảng 2% tạp chất chứa than pin.
Đến ngày 15/4/2018, Dung biết được tạp chất mua của Loan và Bảo có trộn bột pin bị cơ quan điều tra phát hiện. Lúc này, Dung nhờ em chồng đem 9.800kg tạp chất nêu trên cho người chở ra rẫy cao su trộn với lân, vôi và phân heo ủ làm phân bón để tẩu tán. Tại kho còn có khoảng 4.000kg hạt tiêu đã trộn với tạp chất thì Dung cho trộn thêm vào khoảng 5.000kg hạt tiêu để bán theo hợp đồng. Tuy nhiên, ngày 22/4/2018, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành tạm giữ tại kho hàng của Dung số lượng hạt tiêu nêu trên có trọng lượng là 9.000kg.
Theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát- Bộ Công an, trong mẫu hạt tiêu giám định có thành phần chính là hạt tiêu, hàm lượng 81,66%; ngoài ra còn tìm thấy các chất gồm: vỏ vụn cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần mangan dioxit, kẽm clorua, amoni clorua) hàm lượng tổng tạp chất là 18,34%. Các chất mangan dioxit, kẽm clorua, amoni chlorua được phát hiện theo kết luận giám định trên không nằm trong danh mục chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm.
Tại phiên tòa, bị cáo Bảo và Thơ đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi phạm tội. Đối với bị cáo Bảo cho rằng mình chỉ là người làm thuê. Khi được chủ là bà Loan muốn tạp chất có màu đen nên Bảo đã nghĩ ra cách trộn lõi pin vào tạp chất. Bảo cho rằng, trước giờ chỉ nghĩ tạp chất trên dùng để làm phân bón chứ không biết nó có thể dùng để trộn vào tiêu. Còn đối với bị cáo Thơ lại cho rằng mình không hề biết Dung mua tạp chất trên để làm gì.
Riêng bị cáo Dung thì cho rằng mục đích trộn tạp chất vào tiêu chỉ nhằm để tăng trọng lượng để xuất khẩu chứ không biết các đối tác của mình dùng vào việc gì. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm, cho rằng các bị cáo không chỉ vi phạm các quy định trong an toàn thực phẩm mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hồ tiêu Việt Nam. Các bị cáo có đủ nhận thức để hiểu rằng hồ tiêu bán ra chủ yếu là dùng để làm gia vị.
HĐXX nhận định, trong vụ án này Dung đóng vai trò chính, các bị cáo còn lại có vai trò giúp sức. Trong đó, Loan và Bảo có vai trò giúp sức đắc lực còn Thơ và Ngưỡng có vai trò thấp hơn. Tuy nhiên, do bị cáo Dung có nhiều tình tiết giảm nhẹ; Bảo vừa chấp hành án xong chưa được xóa án tích nhưng tiếp tục phạm tội, Loan có nhân thân xấu.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phan Thị Dung mức án 7 năm tù giam; Lê Thị Hồng Thơ 7 năm tù giam, Trần Ngưỡng 7 năm tù giam; Nguyễn Xuân Bảo 8 năm tù giam và Nguyễn Thị Thanh Loan 7 năm 6 tháng tù giam.