Càng chậm sửa đổi càng phức tạp
Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012
Phải phân loại đất để có chế độ, quản lý hiệu quả và phù hợp (Ảnh: PV)
Trong báo cáo rà soát các văn bản Luật Đất đai, TS. Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị: cần sửa đổi quy định về phân loại đất theo hướng tách riêng một số loại đất có chế độ quản lý, sử dụng khác nhau. Đồng thời, cần nghiên cứu lại chính sách giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để phù hợp với tình hình biến động của nhân khẩu hiện nay. Ông Huy cho rằng, chỉ quy định hạn mức diện tích đối với đất do Nhà nước giao như hạn mức hiện hành, bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp, cho phép chuyển quyền sử dụng đất không hạn chế với mục đích thúc đẩy tích tụ đất đai nhằm tập trung cho sản xuất lớn. Đối với đất dành cho các dự án sản xuất nông nghiệp thì hạn mức được áp dụng linh hoạt theo từng dự án.
Khẳng định vấn đề bồi thường theo thời giá thị trường là không đơn giản, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lý giải: đối với đất đô thị thì giá trị của đất phụ thuộc vào vị trí thửa đất, mà mỗi vị trí đó lại là duy nhất trên trái đất. "Không những thế, giá thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung cầu và quan hệ cạnh tranh nên luôn biến động, còn bồi thường là một quá trình kéo dài, vậy chọn giá thị trường tại thời điểm nào? Rõ ràng chỉ có thể nói đến mặt bằng giá bình quân trong một khu vực cụ thể tại thời đoạn cụ thể mà thôi, rồi gia giảm trong quá trình thương lượng thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất" - TS. Phạm Sỹ Liêm nêu vấn đề.
Trong vấn đề bồi thường có vấn đề tái định cư cũng đang gây nhiều bức xúc cho dân, nhất là trong đô thị và tại các công trình thủy điện lớn. Vì vậy, TS. Phạm Sỹ Liêm đề xuất: trong cải tạo các khu đô thị cũ, vấn đề bồi thường và tái định cư có những đặc thù cần được tính đến.
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng: Chính sách pháp luật về bất động sản còn phân tán, chồng chéo giữa các hệ thống văn bản pháp luật. Việc thực hiện đồng bộ các chính sách pháp luật này không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi vẫn còn những bất cập. Và hiện tượng phân tán, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các hướng dẫn về cùng một vấn đề là một thực tế cần tháo gỡ.
Cùng chung quan điểm với TS. Nguyễn Minh Phong, TS. Phạm Sỹ Liêm đề xuất: cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh bất động sản theo hướng công khai, minh bạch, giản tiện cho nhà đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về bất động sản để cho các nhà đầu tư dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin trước khi đi đến quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi đất trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với cá nhân, hộ gia đình có đất.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, nhiều quy định trong các luật khác nhau có liên quan tới bất động sản không thống nhất với nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Nhà kinh doanh bất động sản tiến hành đầu tư theo một quy trình hoàn chỉnh, liên tục, chặt chẽ và thống nhất, nhưng Luật Kinh doanh bất động sản lại chưa đưa ra được một quy trình như vậy. Về quản lý nhà nước, quy trình lại bị cắt nhỏ, phân chia cho nhiều Bộ, ngành phụ trách mà thiếu sự phối hợp, dẫn đến việc quản lý bị động ở tầm vĩ mô đối với thị trường bất động sản.
Liên quan đến vấn đề vốn pháp định trong Luật Kinh doanh bất động sản, bà Lê Nga, Công ty Luật Hà Việt kiến nghị: cần thiết phải quy định vốn pháp định cho các doanh nghiệp thực hiện việc mua bán, cho thuê... Vấn đề là chúng ta quản lý việc xác nhận vốn pháp định tại ngân hàng hay báo cáo tài chính của doanh nghiệp như thế nào để quy định trên thật sự được áp dụng một cách có hiệu quả.
Đỗ Huyền