Tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng lương đúng lộ trình

Chính trị - Ngày đăng : 13:02, 22/10/2014

Có tăng lương theo đúng lộ trình? vấn đề bấy lâu được người dân và nhiều ĐBQH quan tâm, đang tiếp tục “nóng” trên bàn QH. Nhiều ý kiến đề nghị, tăng lương theo lộ trình cho cán bộ công chức, hưu trí và người có công để bảo đảm đời sống.

Cần giảm biên chế, chứ không thể hoãn tăng lương

Với con số cần khoảng 40 ngàn tỷ đồng để cải cách tiền lương theo đúng lộ trình, đang khiến cho Chính phủ và các ban ngành liên quan “đau đầu”. Trước đó, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ sáng 9/10 về tình hình thực hiện thu chi Ngân sách Nhà nước và tình hình kinh tế, xã hội năm 2014 và năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Do ngân sách năm 2015 còn nhiều khó khăn, bội chi lớn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở.

Tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng lương đúng lộ trình

ĐB Trần Du Lịch: Nếu chỉ tăng lương thêm 100.000 đồng, thì không giải quyết được gì, không chống được tham nhũng, không tuyển được người giỏi.

Bày tỏ ý kiến tại phiên thảo luận, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Năm 2014 đã hoãn tăng tiền lương cơ sở rồi, năm 2015 cũng không thể bố trí ngân sách để tăng lương. Như vậy, dư luận băn khoăn về vấn đề này? Và nếu tăng lương thì tiền ở đâu?”.

Trong phiên thảo luận ngày 21/10 kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII, không ít ý kiến của các ĐBQH đề nghị cần bố trí kinh phí để tăng lương tối thiểu theo lộ trình, để bảo đảm đời sống cho một bộ phận người nghỉ hưu và cán bộ công nhân có thu nhập thấp.

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Minh (đoàn TPHCM), việc tăng lương bị trì hoãn là vấn đề lặp lại nhiều, cần xem xét lại, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức.

Lý giải một trong những nguyên nhân khó tăng lương theo đúng lộ trình, ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng, do việc tinh giản biên chế chậm. Vì vậy, theo ông Minh, cần phải tiết kiệm chi tiêu "nhiều công trình mất hàng ngàn tỷ để xây dựng nhưng xây xong không sử dụng hoặc công trình không cần thiết, rất lãng phí"; đồng thời, tiết kiệm chi tiêu còn phải đi kèm với tinh giản biên chế.

“Năm 2015 nói không tăng lương thì ai bảo đảm đến năm 2016 có chắc tăng không? Phải tinh giản biên chế, bố trí đúng người, đúng việc chứ như hiện nay quá cồng kềnh, thậm chí còn đòi tăng biên chế. Tôi tha thiết đề nghị tăng lương theo lộ trình cho cán bộ công chức, hưu trí và người có công để bảo đảm đời sống” - ĐB Minh nói.

Bày tỏ trước Quốc hội, ĐB Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam băn khoăn khi năm 2015 có thể chưa điều chỉnh lương từ ngân sách. Theo ông Hải, cần giảm cán bộ công chức để tăng tiền lương; quan trọng là khắc phục tham nhũng và giảm đội ngũ công chức có tiền lương cao nhưng làm việc kém hiệu quả.

Lương công chức ra trường phải 10 triệu đồng/tháng

Ở một góc nhìn khác, ĐB Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Quốc hội TPHCM lại nhấn mạnh đến mức độ của việc tăng lương. Bởi theo ông Lịch, nếu chỉ tăng lương thêm 100.000 đồng, thì không giải quyết được gì, không chống được tham nhũng, không tuyển được người giỏi.

Ông Lịch cho rằng, nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ, hệ thống như hiện nay thì “vô phương tăng lương, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy”. Không giải quyết được vấn đề này thì đừng nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi với dân. Và theo đó, nếu không tăng lương thì đừng bao giờ hy vọng thu hút được một lực lượng cán bộ viên chức là thành phần tinh hoa.

Tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng lương đúng lộ trình

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tham gia thảo luận

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình cho rằng, cần nâng mức lương cơ bản. Lương tối thiểu công chức mới ra trường phải là 10 triệu đồng thì mới có thể lập gia đình, mua nhà cửa ... Muốn làm được việc này cần tính toán lại bộ máy chính quyền, phân cấp chức năng nhiệm vụ mỗi cấp.

Tại sao nhiều người bỏ ra vài trăm triệu để “chạy” vào công chức, dù lương thấp như thế?” - bà Tâm đặt câu hỏi. Theo bà Tâm, nguyên nhân là vì môi trường làm việc hiện nay thả nổi, dễ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.

Vì thế, việc tăng lương phải đi kèm với giám sát chặt chẽ, khi cán bộ sợ mất việc sẽ không có tiêu cực. Công chức không tích cực khiến người dân mất niềm tin.

“Cỗ xe nợ công” đang ở tốc độ nguy hiểm

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, trong 1,6 triệu tỉ đồng doanh nghiệp nhà nước vay nợ, Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay trong nước là 35.000 tỉ đồng, bảo lãnh cho vay nước ngoài là 173.000 tỉ đồng.

“Số này đã tính trong nợ công năm 2013. Vì thế, nợ công đang ở mức rất cao dù nằm dưới mức pháp định là 65% GDP, nhưng không phải mức an toàn. Giống như xe cộ lưu thông, tốc độ quy định không vượt quá 65 nhưng có xe chạy dưới tốc độ đó lại gây tai nạn” - ĐB Ngân liên hệ, Nhật Bản nợ công là 227% GDP, Singapore 105%, Mỹ 101% nhưng có những nước như Argentina nợ công chỉ 45% nhưng lại vỡ nợ.

 

 

Ngọc Mai