Tái cơ cấu nền kinh tế với 3 đột phá là đúng hướng, đem lại kết quả tốt
Chính trị - Ngày đăng : 21:25, 21/10/2014
Kinh tế tăng trưởng ổn định
Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 cho thấy, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định hơn so với năm trước, là năm đầu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% theo Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời là năm thứ 3 liên tục xuất siêu, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng. An sinh xã hội, nhất là chính sách, pháp luật ưu đãi người có công được hoàn thiện và triển khai kịp thời, các chính sách giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thảo luận vấn đề này, nhiều đại biểu ghi nhận tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực với GDP cả năm dự kiến đạt 5,8%; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Đây là những tiền đề quan trọng cho năm bản lề 2015, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng: Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội hơn 9 tháng qua và dự báo những tháng còn lại của năm 2014 là khả quan. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần đánh giá sát hơn trong một số lĩnh vực như tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm có đạt được 5% để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đề ra hay không? Bởi nếu ép để tăng trưởng tín dụng đạt 5% trong 3 tháng còn lại thì khả năng nền kinh tế hấp thụ được là rất khó. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ, không nóng vội.
ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nhận xét: Thành tựu 9 tháng vừa qua cũng cho thấy, đường hướng cơ bản tái cơ cấu nền kinh tế với 3 đột phá là đúng hướng, đã đem lại kết quả tốt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy mà chúng ta vẫn tăng trưởng dương, đặc biệt vấn đề xã hội ổn định, an ninh chính trị giữ vững… là điều đáng ghi nhận.
Trước đó, tại phiên khai mạc, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2014. Theo báo cáo của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.
Trang thiết bị mới rất tiện lợi cho các đại biểu Quốc hội
Trong năm 2014, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) đã thụ lý, điều tra 24 vụ án, 184 bị can; kết thúc điều tra 14 vụ, 129 bị can; tạm đình chỉ điều tra 1 bị can; đang điều tra 9 vụ, 54 bị can. Tổng tài sản thiệt hại khoảng 2.550,1 tỷ đồng. Tài sản thu giữ, thu hồi khoảng 909 tỷ đồng, trong đó: Tiền mặt là 177,1 tỷ đồng; tài sản thế chấp tại ngân hàng là 731,9 tỷ đồng. Vụ 1B (VKSNDTC) đã kiểm sát khởi tố mới 5 vụ/77 bị can; ra quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam 33 bị can trường hợp, quyết định truy tố 12 vụ/80 bị can và phối hợp với cơ quan Viện kiểm sát và Tòa án địa phương đưa ra xét xử dứt điểm 10 vụ/46 bị cáo.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã được điều chỉnh, bổ sung, có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận. Do vậy, qua thực tế triển khai giải pháp này cho thấy, cần phải xem xét việc quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với người đứng đầu nhưng cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng những người đứng đầu đã chủ động phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng.
Sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Bên cạnh việc cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác PCTN năm 2014 và Kế hoạch năm 2015, kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét rất nhiều vấn đề quan trọng khác.
Cụ thể, Kỳ họp thứ 8 dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác, đây là số lượng dự án luật lớn nhất từ trước đến nay được xem xét, thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp; dành thời gian xem xét Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội...
Đáng chú ý, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Đây là kỳ họp mà Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Vì vậy, đề nghị Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng chuẩn bị các nội dung, bảo đảm thực hiện tốt chương trình nghị sự; đồng thời, đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc, đảm bảo cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào và chiến sỹ cả nước.