ĐBQH: Cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch
Chính trị - Ngày đăng : 15:53, 03/11/2020
Rừng tự nhiên bị xâm hại nặng nề
Trong phần thảo luận của mình, ĐB Triệu Thị Thu Phương - Bắc Kạn cho rằng, trong những năm trở lại đây, chất lượng môi trường nước ta đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi. Biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như lũ quét, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống người dân và hạ tầng cơ sở.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11% và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho hay, đến nay tổng diện tích rừng là 14,6 triệu hecta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu hecta, rừng trồng là 4,3 triệu hecta. Đây là một sự cố gắng vượt bậc, cả hệ thống chính trị và toàn dân, bởi vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu hecta rừng. Lúc đó hệ số che phủ chỉ 27% mà trong vòng 30 năm một đất nước GDP còn thấp như vậy, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường. Đến nay chúng ta đã có tới 14,6 triệu hecta rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân 29%.
Chính vì thế, về nguyên liệu trong 4,3 triệu ha rừng, chúng ta đã sản xuất nguyên liệu 30 triệu m3 để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD tiền lâm sản trong năm nay. Còn rừng tự nhiên thì bà con đang giữ hơn 1 triệu hecta và ngày càng được tăng lên, Bộ trưởng cho biết.
Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Nguyễn Lân Hiếu- An Giang đã phát biểu tranh luận và cho rằng, các con số trên thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, lũ lụt, sạt lở ngày càng để lại hậu quả nặng nề, năm nay cao hơn năm khác.
Cho biết việc mình vừa trở về từ miền Trung chủ nhật tuần qua ĐB nhận định: Thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lúc nào trên dải đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi; Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện cóc tiếp tục được duy trì hoạt động thập chí được cấp phép mới... sẽ xảy ra những đợt lũ lịch sử, những... tang thương nữa”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu và cho rằng, cần phải thay đổi cách làm.
Đơn cử như, khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, khoe với khách đến nhà cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương, lim, sến, táu rồi tự huyễn hoặc gỗ này được nhập từ Lào, Miến, không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam.
Philippines là quốc gia chịu nhiều bão nhất Đông Nam Á và họ giữ rừng già, giữ ngọn núi cao còn hơn con ngươi của mắt mình. Vì họ biết đây là thành trì quan trọng nhất để giữ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 vừa diễn ra đi vào rừng già, dãy núi của Philippines và bị giảm cấp là một thí dụ rất rõ ràng, ĐB dẫn chứng.
Do vậy, bảo vệ môi trường phải thay đổi từ tư duy, và tư duy bắt đầu từ giáo dục. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành tư duy mạch lạc, năng động, hướng thiện là vô cùng khó khăn, ĐB lo ngại.
Nên loại Thủy điện nhỏ và vừa ra khỏi quy hoạch
Dẫn chứng việc đôi vợ chồng Công Vinh- Thủy Tiên hỗ trợ bão lũ miền Trung vừa qua, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho biết, đây là hình ảnh ông gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn, gian khổ, trên khắp đất nước. Tinh thần tương thân, bác ái là bản chất, truyền thống của dân tộc ta.
Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm, quy luật của thiên nhiên. Chính vì vậy, không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm nay qua năm khác. Chúng ta phải có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Do vậy, chiến lược đó phải được bàn bạc ở cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia nhiều lĩnh vực. Phải từ việc làm thế nào để hạn chế nước thượng nguồn đổ vào Việt Nam, hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây các đập thủy điện, vận hành các đập thủy điện mới, cũ; rồi tiếp đến là cập nhật bản đồ những nơi có thể sạt lở trên cả nước, xây nhà tránh lũ,… Có như vậy mới có thể tránh được thiệt hại về người, tài sản.
ĐB Nguyễn Thị Xuân - Đắk Lắk cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục cho thực hiện chương trình trồng rừng tương tự như chương trình trồng rừng 327 trước đây để tránh sạt lở, do rừng nguyên sinh đang bị giảm đi rất nhiều.
"Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cũng đã có nội dung trồng rừng tái sinh và bố trí vốn cho việc này", ĐB nói.
ĐB cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc. Cần cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030.
Lý giải đề xuất này ĐB cho biết: Trong thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là "lợi bất cập hại", sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực hạ lưu, rừng và cây rừng, tài nguyên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp.
Đại biểu dẫn chứng, thực tế cho thấy, đã có nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng xong đã nhanh chóng bán lại dự án thủy điện cho các chủ đầu tư khác. Vì vậy đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát hết các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước. Kiểm tra xem có bao nhiêu dự án thủy điện đã sang tên cho các chủ đầu tư khác như thực trạng cử tri đã phản ánh. Đồng thời, đề xuất phải đánh giá hiệu quả hoạt động của các thủy điện này để có phương án quy hoạch phát triển điện hiệu quả, bền vững.
Tiếp đến, ĐB cũng đề xuất Quốc hội có chuyên đề giám sát việc trồng lại rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thủy điện trong những năm qua.