Y án 3 năm tù đại gia giao cấu với bé gái bán vé số
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 19:53, 10/09/2018
Theo án sơ thẩm, vào cuối tháng 8/2011, H.T.T.L. (sinh tháng 10/1996) đang bán vé số kiến thiết tại quán cà phê trên địa bàn thị trấn An Phú gặp Bùi Văn Sơn mua khoảng 30 – 40 tờ vé số kiến thiết loại 10.000 đồng. Sơn hẹn L. chiều đến nhà, sẽ trả tiền, do quen biết L. đồng ý. Chiều cùng ngày, L. đến nhà Sơn để nhận tiền.
Tại đây, Sơn dụ dỗ giao cấu và cho L. một triệu đồng. Bị hại cho rằng đã bị bị cáo xâm hại tổng cộng 8 lần tại nhà bị cáo và 2 lần tại nhà nghỉ. Tuy nhiên, Tòa chỉ xác định được 3 lần bị hại và bị cáo cùng thời gian ở chung một địa điểm.
Đến tháng 2/2012, L. phát hiện mình có thai và sinh con. Sau đó, L. đến cơ quan chức năng tố cáo Sơn chính là cha của đứa bé. Tuy nhiên, 3 lần giám định AND, kết quả cho thấy Sơn không phải là cha của con L. mà là Nguyễn Văn Bạo. Liên quan đến vụ việc, TAND huyện An Phú đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bạo một năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”.
Bị cáo Sơn tại phiên tòa
Tháng 4/2018, TAND huyện An Phú đã tuyên phạt Bùi Văn Sơn 3 năm tù về tội danh truy tố. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Sơn kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Sơn tiếp tục chối tội, cho rằng mình bị oan, không có chứng cứ trực tiếp buộc tội bị cáo. Qua xem xét hồ sơ, chứng cứ, lời khai của bị hại, những người có liên quan, HĐXX TAND tỉnh An Giang, nhận định, bị hại và bị cáo không có quan hệ thân thiết, một nam một nữ lại ở cùng nhà nghỉ, phòng kính thời gian khá lâu (từ 30-45 phút). Việc thực hiện hành vi giao cấu đương nhiên không ai muốn công khai mà tìm nơi kín đáo bí mật, huống chi bị cáo là người có địa vị danh tiếng ở địa phương, bị hại chưa đủ tuổi thì càng không muốn ai biết.
Bị cáo thừa nhận đã ở chung phòng trong nhà nghỉ với bị hại nhưng không có giao cấu mà chỉ là mua bán vé số. Tuy nhiên, nhân viên nhà nghỉ cho biết không bao giờ cho người bán vé số vào nhà nghỉ để bán. Từ đó cho thấy lời khai của bị hại và người làm chứng là phù hợp, có căn cứ xác định bị cáo đã giao cấu với bị hại.
Về số tiền 300 triệu đồng mà vợ bị cáo đưa cho gia đình bị hại, Tòa xét thấy đây là số tiền lớn, khi làm từ thiện không nhất thiết phải làm xác nhận, công chứng, thậm chí đến Công an xã xác nhận. Hơn nữa không ai lại đi làm từ thiện cho người đang tố cáo mình và lấy đó làm căn cứ để bị hại làm bãi nại cho bị cáo. Khi bị hại tố bị cáo thì chính bị cáo và những người thân trong gia đình đã đi nhờ nhiều người giúp đỡ. Chị bị cáo còn nhờ người thương lượng với gia đình bị hại để bị hại phá thai và không tố cáo. Do đó có căn cứ xác định số tiền này là gia đinh bị cáo bồi thường cho bị hại.
HĐXX phúc thẩm khẳng định bản án sơ thẩm tuyên đúng người đúng tội, bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng không có chứng cứ gì mới nên không có cơ sở chấp nhận.
HĐXX cho rằng bị cáo là người trưởng thành, đã có vợ và chỉ vì ham muốn đã đánh mất danh dự của mình. Hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, sự phát triển bình thường của trẻ em nên cần phải bị xử lý nghiêm khắc.