Toàn văn bài diễn văn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV

Tòa án - Ngày đăng : 11:00, 28/10/2020

Sáng 28/10, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV và kỷ niệm 75 năm Truyền thống TAND. Báo Công lý xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài diễn văn của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC.

Kính thưa Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành ở Trung ương và Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Tòa án các cấp qua các thời kỳ,

Thưa các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, hòa trong không khí cả nước ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tòa án nhân dân tối cao long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV và Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống; đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tòa án nhân dân và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Tòa án quân sự trung ương. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trao tặng, ghi nhận và tôn vinh những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ Tòa án trong suốt 75 năm phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, tôi nhiệt liệt chào mừng và kính chúc sức khỏe đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành ở Trung ương và Hà Nội; các vị đại biểu khách quý; 96 cá nhân điển hình tiên tiến, cùng toàn thể các đồng chí về dự Đại hội thi đua yêu nước và Lễ Kỷ niệm ngày hôm nay.

Nhân dịp này, tôi xin gửi tới đội ngũ Thẩm phán, công chức, người lao động đã và đang công tác trong hệ thống Tòa án những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kính thưa các đồng chí!

Cách đây 75 năm, ngay sau khi tuyên ngôn thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thiết lập các Tòa án quân sự. Thời khắc lịch sử đó đã đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án Việt Nam – một thiết chế quan trọng trong bộ máy nhà nước. Bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946) đã trang trọng dành riêng một Chương quy định về Tòa án, tạo sở pháp lý để tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan xét xử trên phạm vi cả nước.

Những ngày đầu thành lập và trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Tòa án tập trung cho nhiệm vụ đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng. Đưa ra xét xử và nghiêm trị nhiều phần tử phản động, tay sai, gián điệp, biệt kích; đồng thời, xử lý nghiêm các tội xâm phạm tài sản của Nhà nước, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân. Đã mở nhiều phiên tòa lưu động xét xử vạch trần âm mưu, tội ác của địch, và qua đó đề cao tinh cao tinh thần cảnh giác cho Nhân dân.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Tòa án đã điều chỉnh trọng tâm công tác theo yêu cầu tình hình mới. Cùng với việc tiếp tục tăng cường đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm khắc các vụ án xâm phạm chính sách hậu phương quân đội; tham ô, hối lộ, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, vật tư quốc phòng; xâm phạm các nỗ lực chi viện cho tiền tuyến; vi phạm chế độ, thể lệ quản lý kinh tế.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Hệ thống Tòa án đã nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức, đẩy mạnh hoạt động, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, hệ thống Tòa án tăng cường toàn diện các mặt công tác. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều loại tội phạm mới phát sinh trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là những đối tượng lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để phạm tội. Trước đòi hỏi của thời kỳ đổi mới và hội nhập, các Tòa chuyên trách được thành lập để giải quyết những tranh chấp dân sự, kinh tế. Qua hoạt động xét xử, đã kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý, góp phần quan trọng xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Thực hiện công cuộc cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng, Tòa án nhân dân đã đổi mới mạnh mẽ cả về địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động. Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng xác định: “Tòa án là trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm, khâu đột phá của hoạt động tư pháp là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp”, đồng thời, hiến định nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ của nhân loại.

Trải qua 75 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, hệ thống Tòa án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; tổ chức bộ máy được kiện toàn hợp lý và chuyên nghiệp; địa vị pháp lý được khẳng định là trung tâm của hoạt động tư pháp; chức năng, nhiệm vụ được tăng cường; chất lượng công tác ngày càng cao. Trong điều kiện quy mô, tính chất vi phạm và tội phạm ngày càng gia tăng và phức tạp, đòi hỏi của pháp luật và Nhân dân ngày càng cao, song các thế hệ cán bộ Tòa án đã không ngừng nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp đổi mới trên các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; góp phần bảo vệ vững chắc Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong những ngày đầu lập nước; bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; bảo vệ cuộc sống thanh bình của Nhân dân; tạo lập môi trường phát triển kinh tế - xã hội thông thoáng, hấp dẫn, đưa đất nước ta phát triển để có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Kính thưa các đồng chí!

Từ thực tiễn 75 năm xây dựng và phát triển, những bài học thành công quan trọng của hệ thống Tòa án được đúc kết là:

Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Đảng, tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.

Quá trình tổ chức và hoạt động, hệ thống Tòa án đã tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng; quán triệt sâu sắc và thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Đảng lãnh đạo hoạt động tư pháp nói chung và Tòa án nhân dân nói riêng bằng Chiến lược cải cách tư pháp, hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước qua mỗi thời kỳ để trên cơ sở đó Tòa án nhân dân xác định nhiệm vụ, giải pháp công tác của mình; bằng việc chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật làm nền tảng pháp lý cho hoạt động của Tòa án; bằng việc tăng cường các nguồn lực và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Tòa án các cấp; bằng việc cử cấp ủy viên các cấp tham gia lãnh đạo các Tòa án. Chính vì vậy, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng chính là nhân tố quyết định sự thành công của công tác Tòa án.

Thứ hai, thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được Hiến định.

Mỗi phán quyết của Tòa án có tác động trực tiếp đến những quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người ( quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu tài sản, thậm chí là quyền sống), tác động đến trật tự - an toàn xã hội. Vì vậy, dựa vào Hiến pháp, pháp luật; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật là nguyên tắc tối thượng của hoạt động xét xử. Trong tiến trình cải cách tư pháp, nhiều nguyên tắc tố tụng tư pháp tiến bộ của nhân loại đã được hiến định như (nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nguyên tắc suy đoán vô tội; nguyên tắc xét xử công khai; công bằng; bảo đảm tranh tụng; bảo đảm quyền được xét xử trong thời hạn luật định v.v…). Khoa học pháp lý và kinh nghiệm của chúng ta đã chỉ rõ: thực hiện tốt các nguyên tắc này chính là con đường đi đến công lý. Chỉ khi tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các nguyên tắc tư pháp tiến bộ thì bản án của Toà án mới khuất phục được tội phạm, thuyết phục được xã hội và làm cho Nhân dân khâm phục.

Thứ ba, quá trình hoạt động phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân và bảo vệ Nhân dân.

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Cán bộ Tòa án phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tòa án Việt Nam là Tòa án nhân dân. Quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, mỗi cán bộ Tòa án phải thấm nhuần quan điểm lấy dân làm gốc như bản chất của chế độ và của nền tư pháp nước nhà. Tận tâm trong từng công việc được giao, kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, vì lợi ích của Nhân dân, vì sự bình yên cuộc sống của Nhân dân. Bản chất của hoạt động xét xử là công khai, minh bạch, chính là cơ chế để Nhân dân tiếp cận thông tin và kiểm soát quá trình tố tụng. Hoạt động của Tòa án phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Nhân dân để qua đó xây dựng hệ thống Tòa án ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công cuộc đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm không chỉ là của riêng các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà là sự nghiệp của toàn dân. Khi Nhân dân ủng hộ, giúp đỡ Tòa án nhiều thì thành công càng nhiều và hoàn thành tốt trọng trách được giao.

Thứ tư, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp.

Hoạt động xét xử là trọng trách vinh quang của Tòa án nhưng phải chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả. Đây là quá trình đi tìm sự thật đã được che giấu một cách tinh vi và chuyên nghiệp. Trên con đường đi tìm công lý, các Thẩm phán phải đối mặt với cả rủi ro, nguy hiểm và những cám dỗ. Nếu không nỗ lực rèn luyện sẽ không thể hoàn thành trọng trách được giao. Mỗi Thẩm phán, mỗi cán bộ Tòa án, phải giữ vững cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người cầm cân nảy mực; phải là tấm gương về sự thanh liêm, chính trực. Xét cho cùng, chất lượng của hoạt động xét xử và uy tín của Tòa án là do cán bộ Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán quyết định. Vì vậy, phải chăm lo xây dựng được đội ngũ Thẩm phán “vững về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, thanh liêm và nêu gương mẫu mực” mới vượt qua được khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng niềm tin, sự trân trọng của người dân đối với Toà án và Thẩm phán.

Thứ năm, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành; không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp với tình hình thực tiễn.

Những thành tựu của hệ thống Tòa án đạt được như ngày nay có sự đóng góp quan trọng của nỗ lực không ngừng đổi mới công tác chỉ đạo điều hành qua các thời kỳ. Trong điều kiện pháp luật ngày càng hoàn thiện và đặt ra các yêu cầu ngày càng cao; kinh tế thị trường phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng; các vi phạm, tội phạm tăng nhanh về số lượng; lớn hơn về quy mô và phạm vi; phức tạp về tính chất, đòi hỏi lãnh đạo các cấp Tòa án, nhất là lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phải nhạy bén, nắm bắt đầy đủ yêu cầu của tình hình mới đặt ra; đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành; đề ra các định hướng hoạt động, giải pháp xây dựng hệ thống Tòa án phát triển văn minh, tiến bộ và hiệu quả. Đồng thời, trong suốt quá trình hoạt động phải chăm lo hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, có tính chuyên môn cao, tạo cơ sở cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia trên các mặt công tác.

Kính thưa các đồng chí!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước và yêu cầu các cấp, các ngành phải coi trọng công tác thi đua. Người nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thực hiện lời dạy của Bác, phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ.

Cùng với cả nước, 5 năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã phát động phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị. Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống Tòa án. Nhiều Tòa án địa phương, Tòa án quân sự đã sáng tạo, đổi mới cách làm, tổ chức nhiều phong trào thi đua với chủ đề hành động dễ nhớ, dễ thực hiện như: phong trào “2 tăng, 2 giảm, 3 không trong công tác nghiệp vụ”; phong trào “Làm hết việc, không làm hết giờ”; phong trào “Cấp trên nêu gương, đơn vị kỷ cương, cấp dưới tự giác, công tác hiệu quả”; phong trào “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng”; phong trào “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; phong trào “Nghĩa tình đồng đội”; phong trào “Tham gia xây dựng nông thôn mới” v.v… Kết quả của các phong trào thi đua đã tạo ra khí thế sôi nổi, phấn khởi, động viên cán bộ, công chức các cấp Tòa án nỗ lực phấn đấu; đề ra những sáng kiến, giải pháp, mô hình hay, mang tính đột phá; lập nên nhiều thành tích xuất sắc, ấn tượng.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình, được Nhà nước, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao phong tặng các danh hiệu cao quý. Đã có 63 tập thể và 96 cá nhân điển hình tiên tiến được suy tôn; 19 Thẩm phán mẫu mực, 56 Thẩm phán tiêu biểu và 281 Thẩm phán giỏi được vinh danh; 3 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh”; 4 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân Chương độc lập”; 172 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Lao động”; 19 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Và tại buổi Lễ trang trọng ngày hôm nay, Đảng, Nhà nước trao tặng “Huân chương độc lập hạng Nhất” cho Tòa án nhân dân và danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tòa án quân sự trung ương. Đây là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức Tòa án trong suốt 75 năm và 5 năm qua.

Công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và cải cách tư pháp trong giai đoạn mới đứng trước những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Yêu cầu của Đảng, của Nhân dân đối với Tòa án ngày càng cao. Bối cảnh đó đòi hỏi mỗi cán bộ Tòa án phải ra sức thi đua để lập những thành tích cao nhất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những cá nhân được tuyên dương ngày hôm nay tiếp tục là những tấm gương sáng, có sức lan tỏa tới mọi cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị; thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua.

Phát huy thành tích đã đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn 5 năm qua, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua trong thời gian tới, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phát động phong trào “Thi đua vì công lý”. Mục tiêu chính của phong trào “Thi đua vì công lý” là xây dựng hệ thống Tòa án ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nội dung cốt lõi của phong trào này là: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Tòa án, đặc biệt là công tác xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; Xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, Thẩm phán liêm chính, công tâm; vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sạch về đạo đức; tinh thông về pháp luật; đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ cải cách tư pháp đã đặt ra; chủ động nghiên cứu để giải quyết những vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn; Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi tin tưởng vững chắc rằng, với truyền thống đoàn kết và tinh thần phấn đấu không ngừng nghỉ, nhất định phong trào “Thi đua vì công lý” của chúng ta sẽ thành công, giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống Tòa án trong giai đoạn mới.

Kính thưa các đồng chí!

Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng, phát triển và trong buổi Lễ trang trọng ngày hôm nay, chúng ta vô cùng xúc động bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã xây móng đặt nền cho hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam. Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ trong mỗi bước trưởng thành, phát triển của hệ thống Tòa án. Trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đã luôn ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để Tòa án hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Trong niềm xúc động, tự hào, chúng ta ghi nhớ và tri ân những cống hiến to lớn của lớp lớp các thế hệ cán bộ Tòa án; bằng tất cả tâm lực, trí lực, đã đồng lòng, chung sức, xây dựng và tô thắm truyền thống vẻ vang; bền bỉ thắp sáng tinh thần “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, truyền lửa nhiệt huyết cho các thế hệ hôm nay.

Kế tục xứng đáng và phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, các thế hệ cán bộ, Thẩm phán hôm nay nguyện tiếp bước các thế hệ cha anh, viết tiếp trang sử vàng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước, cải cách nền tư pháp nước nhà, xây dựng Tòa án nhân dân không ngừng lớn mạnh.

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; các vị khách quý; các đại biểu đã đến dự Đại hội và động viên, cổ vũ phong trào “Thi đua vì công lý” trong hệ thống Tòa án nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn!

BBT