Ứng phó bão số 9: Tập trung tìm kiếm ngư dân trên hai tàu mất tích
Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 28/10/2020
Theo đó, ngay trong đêm 27 rạng sáng 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cùng Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tiếp tục có cuộc họp với các ngành, các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với bão số 9.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão (00 giờ ngày 28/10): Khoảng 13,9oN; 111,5oE, cách Đà Nẵng khoảng 430km, cách Quảng Nam 365 km, cách Quảng Ngãi 325 km, cách Phú Yên 260 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 13 (135-150km/h), giật cấp 16.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 00h tại đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 12m/s (cấp 6) giật 19m/s (cấp 8).
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục Trưởng Cục cứu hộ cứu nạn cho biết, hiện vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá mất tích và 1 tàu cá khác chết máy cũng ở Bình Đình khi đang trên đường về nơi tránh trú bão số 9.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết đã hoàn thành việc triển khai các phương án hỗ trợ nơi tránh trú an toàn cho người dân. Đặc biệt, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt, cơ bản đảm bảo yêu cầu phòng chống nhất là yêu cầu người dân ở trong nhà từ 20 giờ ngày 27/10.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tinh thần tập trung cao độ, làm việc nghiêm túc của các địa phương khu vực miền Trung. Các tỉnh thành đã cơ bản sơ tán được người dân, tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.
Phó Thủ tướng đánh giá bão số 9 là rất mạnh. Để ứng phó với bão, các lực lượng chức năng cần phải rất gấp rút về thời gian bởi khi bão đã đổ bộ, các địa phương rất khó để ứng phó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh về công tác tìm kiếm cứu hộ các tàu bị mất liên lạc, bị chết máy ở Bình Định. “Vẫn còn 2 tàu còn chưa thoát được khu vực nguy hiểm và một tàu chết máy. Công tác tiếp cận vẫn vô cùng khó khăn. Những tàu mặc dù được đưa vào khu vực an toàn, nhưng cần lưu ý về công tác đảm bảo an toàn neo đậu vì đây là cơn bão rất mạnh”, Phó Thủ tướng nói.
Mặt khác, Phó Thủ tướng lưu ý vẫn còn người sót lại trên lồng bè, trên tàu, các địa phương cần đặc biệt lưu ý. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý thêm, “Về vấn đề sơ tán dân, chúng ta làm khá tốt nhưng dân đến nơi tập trung thì liệu có an toàn không. Như trường học,…những cơ sở đó có cửa kính rất là rộng. Khi có bão, bão giật rất mạnh thậm chí vỡ cửa kính thì lúc đó vô cùng nguy hiểm vì những cửa kính tại khu trường học này chưa chắc đã an toàn. Điều đó khiến chúng ta chưa thể yên tâm được”.
Để ứng phó với bão, Phó Thủ tướng đề nghị cần phải tập trung lực lượng từ nay đến khi bão mạnh (khoảng 2 đến 3 giờ sáng 28/10). Phó Thủ tướng khẳng định: “Tại buổi họp lúc 19 giờ hôm nay, tôi nói chúng ta còn “giờ vàng” để chống bão và đến bây giờ vẫn còn “giờ vàng” dù là đêm tối. Chúng ta phải tập trung vì khi bão đã đến rồi thì không thể nào ứng cứu được”.
Với các tàu mất liên lạc, đề nghị Bộ Giao thông, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan phải bằng mọi cách để liên lạc để ứng cứu. 1 tàu 12 người, 1 tàu 14 người mất liên lạc rất nguy cơ những người này sẽ mất tích.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng kiểm tra các công trình xây dựng, các công trình trụ sở làm việc. Đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập. Tập trung rà soát các khu vực nguy hiểm ở Tây Nguyên, kể cả các khu vực bão không lớn như Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh cũng rất cần lưu ý, ứng phó để sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Cũng trong thời gian cuộc họp diễn ra vào khuya 27/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần điện thoại cho Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để nắm thêm tình hình diễn biến của bão số 9 và đưa ra những chỉ đạo trực tiếp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tập trung tìm kiếm 26 ngư dân trên 2 tàu cá của tỉnh Bình Định bị chìm trên biển vào chiều 27/10.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù trời đêm tối rất khó khăn nhưng phải tìm ra phương án để tìm kiếm, đây là một trong những nhiệm vụ số 1 lúc này. Đồng thời, yêu cầu tất cả tàu thuyền phải vào trú ẩn ngay, nhất là ở Lý Sơn gió bắt đầu lớn.
Thủ tướng cũng yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khẩn trương có lệnh cưỡng chế tất cả người dân chưa chịu di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, nhà yếu, nguy cơ bị sạt lở, nguy cơ ngập sâu. Trên thực tế, các địa phương đã làm việc này nhưng cần làm quyết liệt hơn.
Ngay sau khi nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương, trong đó chủ lực là lực lượng của Bộ Quốc phòng như Quân khu 4, Quân khu 5 và có sự hỗ trợ của Quân khu 7 khi tình huống bão mạnh, phức tạp và gây ra tổn thất nặng thì cần huy động thêm lực lượng.