Hơn 1,4 triệu người nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 08:35, 08/04/2020
Theo thống kê của worldometers, tính đến 6 giờ sáng 8/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.424.341 trường hợp, trong khi số ca tử vong đã lên tới 81.896 người.
Hiện tại, Mỹ đang vẫn đang là quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trên thế giới với gần 400.000 trường hợp, trong đó có đến 12.748 ca tử vong.
Thống đốc bang New York (Mỹ), Andrew Cuomo trong cuộc họp báo tối 7/4 (theo giờ Việt Nam) cho biết sau 2 ngày số ca tử vong không tăng, bang này đã phải chứng kiến ngày có số ca tử vong vì COVID-19 nghiêm trọng nhất với 731 ca tử vong mới. Đây là mức tăng đáng kể so với con số 599 ca tử vong trong một ngày trước đó. Tính tổng cộng, bang New York đã có tới 5.489 ca tử vong. Ngược lại, cũng có tín hiệu tích cực ở bang này khi số ca mới phải nhập viện trong ngày đều giảm trong 3 ngày qua.
Trong khi đó, Italy là nước có ca tử vong cao nhất thế giới với 17.127 người. Tây Ban Nha đứng thứ 2 với 14.045 trường hợp.
Số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục ở Anh
Tổng số ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Anh hiện tại là 6.159 ca. Như vậy, trong 24 giờ trước đó tính đến mốc trên, Anh ghi nhận thêm 786 ca tử vong, mức cao kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bùng phát.
Tính đến 15 giờ ngày 7/4, đã có 213.181 người tại Anh được xét nghiệm trong đó có tổng cộng 55.242 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 3.634 ca so với một ngày trước đó.
Hai nhân viên y tế chuẩn bị chăm sóc một bệnh nhân nhiễm nCoV tại bệnh viện Laennec ở Saint-Herblain, phía tây Pháp, ngày 7/4. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, theo Trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh Patrick Vallance, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này hiện không còn tăng nhanh như trước, song vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng đã lên đến đỉnh dịch.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 7/4, ông Vallance cho biết: "Số ca mắc bệnh hiện nay ở Anh vẫn tăng. Có thể là chúng ta bắt đầu nhìn thấy bước đầu có sự thay đổi, đồ thị (biểu thị số ca mắc bệnh) bắt đầu chuyển sang đi ngang. Chúng ta không biết chắc là điều này sẽ diễn ra trong khoảng một tuần nữa hay không, nhưng điều mà chúng ta nhìn thấy rõ là số ca mắc không còn tăng nhanh nữa."
Số ca tử vong do Covid-19 ở Pháp vượt ngưỡng 10.000
Tính đến tối 7/4, Pháp ghi nhận 10.328 trường hợp tử vong do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 7.091 ca trong bệnh viện (tăng 607 ca trong 24 giờ) và 3.237 ca tại các viện dưỡng lão (tăng 820 ca).
Như vậy, Pháp đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới có số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000 người, sau Italy, Tây Ban Nha và Mỹ. Theo giới chức y tế Pháp, 82% trong số đó trên 70 tuổi.
Trong số 30.000 bệnh nhân phải nhập viện (tăng 305 ca trong 24 giờ), 7.131 trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt, 61% trong số đó từ 60 đến 80 tuổi và 104 người dưới 30 tuổi. Đến nay đã có 19.337 người khỏi bệnh và ra viện.
Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm tại các bệnh viện là 78.167 người (tăng 3.777 ca trong 24 giờ). Số trường hợp được xác nhận trong các cơ sở y tế-xã hội cũng lên tới 30.902 người.
Giới chức y tế Pháp khẳng định hiện chưa phải lúc tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, vì nước này vẫn trong giai đoạn tăng cao của dịch bệnh.
Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 ở Italy tiếp tục giảm
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 7/4, Italy ghi nhận thêm 3.039 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên thành 135.586 trường hợp.
Đây là số ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày thấp nhất kể từ ngày 19/3. Số ca tử vong tăng lên 17.127 trường hợp (tăng 604 ca). Số ca hồi phục tăng lên 24.392 ca (tăng 1.555 ca).
Ngoài số ca nhiễm mới tiếp tục giảm, Italy cũng giảm cả số ca phải điều trị tích cực với 106 ca so với ngày 6/4. Hiện Italy có tổng số 3.792 ca phải điều trị tích cực, 28.718 ca nhập viện và 61.557 ca cách ly tại nơi ở.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 62.589 ca nhiễm và 3.872 người chết. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 5/4 khẳng định nước này quyết không nhờ Mỹ giúp chống dịch bệnh, nhưng kêu gọi Washington dỡ bỏ toàn bộ biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Iran công bố những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 19/2, là quốc gia chịu ảnh hưởng của đại dịch nặng nề nhất khu vực Trung Đông. Trong nỗ lực ngăn virus lây lan, chính quyền quyết định cấm tất cả hoạt động đi lại liên tỉnh ít nhất đến ngày 8/4, đóng cửa hầu hết doanh nghiệp, nhưng vẫn không áp dụng biện pháp phong tỏa.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí đến cuối năm. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền đã đồng ý nối lại một số hoạt động kinh tế nhất định từ ngày 11/4.
Nhiều quốc gia có số ca nhiễm tăng mạnh
Ngày 7/4, Bộ Y tế Chile cho biết nước này đã ghi nhận thêm 301 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 5.116 người, trong khi số ca tử vong cũng tăng lên 43 người, cao hơn 6 ca so với thống kê trước đó.
Còn tại Peru, ngày 7/4, Tổng thống Martin Vizcarra thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 15 ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 107 người. Peru ghi nhận tổng cộng 2.954 ca dương tính với SARS-CoV-2 trên cả nước.
Phát biểu trong một buổi họp báo cùng ngày cùng Bộ trưởng Y tế Victor Zamora, nhà lãnh đạo Peru cho hay kể từ thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, hệ thống y tế nước Nam Mỹ này đã tiến hành 21.555 xét nghiệm trên cả nước, trong đó có 2.100 ca dương tính được ghi nhận tại thủ đô Lima.
Trong khi đó, ngày 7/4, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của Bộ Y tế cho hay, nước này đã ghi nhận thêm 9 ca tử vong, con số cao nhất trong một ngày kể từ khi quốc gia Bắc Phi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Ai Cập lên 94 người.
Cùng ngày, Ai Cập cũng phát hiện thêm 128 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở nước này lên 1.450 người.
Tất cả các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vừa được ghi nhận đều là các công dân trở về từ nước ngoài hoặc những người đã tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp đã mắc Covid-19.
Con số những người mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng bất chấp việc Ai Cập đã triển khai hàng loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.