Xét xử vụ án xảy ra tại PVTex: Các bị cáo nói lời sau cùng
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 14:18, 30/08/2018
Là người đầu tiên được HĐXX cho nói lời sau cùng, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu (cựu Chủ tịch HĐQT PVTex) tái khẳng định không có ý thức nhận hối lộ của bị cáo Hồng, bị cáo nói: “Suốt trong quá trình thành lập Cty, từ năm 2010 - 2011, Hồng không trao đổi, nói với tôi gì về việc góp vốn đó. Ở đây các luật sư đã tranh luận và tôi mong HĐXX phán quyết công tâm, khoan hồng cho tôi để tôi có thể sớm trở về xã hội”.
Về hành vi Cố ý làm trái gây thất thoát hơn 19 tỷ đồng tại dự án nhà ở cán bộ, nhân viên PVTex, bị cáo Hiếu cho rằng bản thân mình chỉ đồng ý chủ trương cho ứng tiền; việc quản lý tiền thuộc trách nhiệm của Ban điều hành PVTex.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Tiếp đến, bị cáo Đỗ Văn Hồng mong HĐXX xem xét khách quan các nội dung đã trình bày đồng thời đánh giá đúng mức thái độ thành khẩn của bị cáo tại Tòa cũng như trong giai đoạn điều tra. Bị cáo Hồng mong được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Cũng trong lời nói sau cùng, bị cáo Đào Ngọ Hoàng nói: “Tôi rất hối hận vì sai phạm của mình, chỉ xin đề nghị Tòa và Viện KSND xem xét ý chí của bị cáo khi thực hiện công việc. Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, hành vi của bị cáo không quá nguy hiểm, không đáng để bị cách ly quá lâu như vậy. Bị cáo có 2 con nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình nên mong HĐXX cho hưởng khoan hồng”.
Là bị cáo cuối cùng được nói lời sau cùng, bị cáo Vũ Phương Nam nói: “Bị cáo nhận thức sâu sắc sai phạm của mình, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tòa án. Nguyện vọng cuối cùng, mong Tòa xem xét động cơ, bối cảnh và vai trò của bị cáo trong vụ án. Bản thân của bị cáo có con nhỏ, bố mẹ già yếu nên mong HĐXX cho bị cáo hưởng khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về”.
HĐXX sẽ tuyên án với các bị cáo vào 9h30’ sáng mai (31/8).
Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Trần Trung Chí Hiếu cho rằng, từ năm 2008, Tập PVN đã có chủ trương phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của đơn vị trong tập đoàn. Chủ trương đó đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Thông báo số 49/TB-VPCP ngày 17/02/2009, về việc “Đồng ý về nguyên tắc Tập đoàn được chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn nhằm phát huy nội lực và kích cầu dịch vụ trong nước”.
Thực hiện chủ trương trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra Nghị quyết 4040/NQ-DKVN ngày 13/5/2010 chấp nhận chủ trương chỉ định thầu các gói thầu thực hiện trong năm 2010, trong đó có Dự án nhà ở cho CBCNV Công ty PVTex (thi công xây dựng công trình giai đoạn 1, bao gồm cả san lấp mặt bằng).
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Hiếu tại phiên tòa
Là công ty thuộc PVN, PVTex phải thực hiện nghiêm túc chủ trương nêu trên của Chính phủ, của PVN. Chính vì vậy, ngày 16/11/2009, Trần Trung Chí Hiếu đã thay mặt HĐQT PVTex ký Quyết Định số 691/QĐ-PVTEX chỉ định nhà thầu là Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) là đơn vị có đủ năng lực kinh nghiệm để thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng, chấp thuận ký Hợp đồng nguyên tắc thực hiện thi công xây dựng Dự án nhà ở. Tiếp theo đó, ngày 16/6/2010, PVTex có Công văn mời PVC tham gia triển khai xây dựng công trình Khu nhà ở cho CBCNV.
Theo đó, luật sư Thiệp cho rằng, ngay từ đầu, Hiếu với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVTex, đã có ý thức rất rõ việc lựa chọn nhà thầu theo đúng chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phải là một công ty thuộc PVN, có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án nhà ở đó là Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) tham gia triển khai xây dựng công trình Khu nhà ở cho CBCNV.
Như vậy, việc lựa chọn liên danh nhà thầu để thực hiện gói thầu “Lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng Khu nhà ở cho CBCNV của PVTex” được bắt đầu từ chủ trương ưu tiên sử dụng tối đa các dịch vụ trong nội bộ Tập đoàn của PVN (đã được Chính phủ chấp thuận), từ sự giới thiệu của PVC. Do cả 2 công ty PVC.KBC và HEERIM.PVC đều là đơn vị thành viên của PVC nên PVC phải biết rất rõ về năng lực, kinh nghiệm của 2 công ty này không thể đáp ứng được HSYC nhưng vẫn giới thiệu cho PVTex.
Do đó, chính PVC cũng phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư (PVTex) với tư cách là đơn vị giới thiệu, giám sát và chỉ đạo quá trình thực hiện hợp đồng, đã được PVN xác định tại Công văn số 5569/DKVN-XD ngày 24/6/2010 nêu trên. Đây chính là 2 nguyên nhân khách quan dẫn đến việc PVTex quyết định chọn liên danh nhà thầu để thực hiện gói thầu….
Đối với việc cho tạm ứng số tiền 20 tỷ đồng luật sư Thiệp cho rằng: Từ những lời khai của các bị cáo, những chứng cứ và tài liệu có thể thấy trong việc tạm ứng 20 tỷ đồng trái pháp luật nêu trên, Vũ Đình Duy là người hoàn toàn chủ động, từ việc đặt vấn đề cho đến hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đáp ứng yêu cầu tạm ứng của PVC.KVC số tiền trên; bị cáo Hiếu đã có bút phê vào Công văn 497 và ký Quyết định số 13/QĐ-PVTex mục đích để Ban điều hành và các Ban, Phòng liên quan xem xét và với mong muốn đẩy nhanh tiến độ công trình, hoàn thành dự án, đáp ứng cho nhu cầu nhà ở cấp thiết của CBCNV PVTex.
Luật sư Nguyễn Xuân Anh, bào chữa cho bị cáo Hoàng tại phiên tòa
Quyết định 13/QĐ-PVTex chỉ được ký sau khi có Tờ trình số 03/TTr-TMHĐ của Đào Ngọ Hoàng (Trưởng Phòng TM hợp đồng) ký trình Ban Điều hành PVTex và Công văn nội bộ số 03/CVNB-NTL ngày 06/01/2012 của Ban Điều hành PVTex do Vũ Đình Duy ký trình HĐQT. Bị cáo Hiếu không được các Ban, phòng liên quan phản hồi, cảnh về việc tạm ứng lần thứ 2 này….
Trước các luận cứ nêu trên, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét thấu tình đạt lý đối với những luận cứ của luật sư bào chữa, đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo Trần Trung Chí Hiếu thấp hơn mức mà đại diện VKS đề nghị về cả 2 tội: “Cố ý làn trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Cũng trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Xuân Anh bào chữa cho bị cáo Đào Ngọ Hoàng cho rằng, việc Hoàng ký Tờ trình số 12/TTr-TMHĐ không nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ của Phòng TMHĐ theo quy chế làm việc của Công ty PVTex.
Theo quy định của pháp luật và dựa trên thực tế triển khai dự án, việc PVTex tạm ứng 20 tỷ cho Công ty PVC.KBC là phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và không trái với quy định của pháp luật.
Đào Ngọ Hoàng đã dựa vào Biên bản ghi nhớ ngày 06/01/2012 - “báo cáo về tiến độ thi công và đề xuất xin tạm ứng của nhà thầu” và Phụ lục 05 của Hợp đồng số 14 làm căn cứ để ký tờ trình trình lãnh đạo công ty ký liên quan tới khoản tạm ứng 20 tỷ cho PVC.KBC.
Ngoài ra, việc liên quan tới số tiền 20 tỷ tạm ứng này, nếu hai bên có thỏa thuận về việc không dùng số tiền này để thực hiện hợp đồng thì đó mới là trái luật. Chừng nào CQTT không xác định được hành vi cố ý ở đây thì không thể quy kết tội cố ý làm trái.
Theo luật sư Anh, sự việc xảy ra cho tới hôm nay là do nhà thầu nhận tiền rồi không triển khai thực hiện như quy định trong hợp đồng. Đào Ngọ Hoàng hoàn toàn không đáng phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật do hậu quả từ hành động này của nhà thầu.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao, Đào Ngọ Hoàng không có động cơ, mục đích vụ lợi. Hoàng chỉ là người làm công, ăn lương, làm đúng theo chỉ đạo của cấp trên và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Căn cứ vào những điều trên, chúng tôi cho rằng hành vi của Đào Ngọ Hoàng không có dấu hiệu “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, không đáp ứng đủ điều kiện về mặt khách thể, khách quan, chủ quan của tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 - BLHS", luật sư Anh lập luận.