Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban liệu có thể cứu vãn?

Thế giới - Ngày đăng : 15:54, 28/03/2020

Sau khi nhận tối hậu thư của Mỹ về việc rút gói viện trợ 1 tỷ USD khỏi nước này và đe dọa sẽ tiếp tục rút gói viện trợ tương tự vào năm sau, Afganistan đã thành lập một đoàn đàm phán trực tiếp với quân Taliban.

Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban liệu có thể cứu vãn?

Ngày 11/3, nhóm phiến quân Taliban đã từ chối đề nghị của chính quyền Afghanistan về việc phóng thích 1.500 tù nhân phiến quân trước thềm các cuộc hòa đàm.

Ngày 27/3, Bộ Hòa bình Afghanistan thông báo, quốc gia này đã thành lập đoàn đàm phán trực tiếp với phiến quân Taliban để tìm cách tháo gỡ cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia này.

Đoàn đàm phán gồm 21 thành viên, do ông Mohammad Masoom Stanikzai, cựu lãnh đạo cơ quan phản gián của Afghanistan, đứng đầu.

Việc lựa chọn các thành viên được thực hiện sau các cuộc thảo luận và tham vấn toàn diện với mọi thành phần xã hội, trong đó có các đảng chính trị được giao nhiệm vụ đại diện cho Nhà nước Afghanistan trong đàm phán hòa bình với Taliban.

Đây được coi là những nỗ lực mới nhất của Afgnistan để đạt được những đồng thuận với Taliban sau khi Washington ra tối hậu thư đối với nước này nhằm cứu vãn thỏa thuận Mỹ - Taliban.

Thỏa thuận hoà bình Mỹ-Taliban ký ngày 29/2/2020 đã mở đường cho Taliban đàm phán với chính phủ Afghanistan, gồm cả việc rút quân đội nước ngoài, giúp Mỹ chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước mình.

Tuy nhiên, thoả thuận lịch sử nhằm mang lại hoà bình cho Afghanistan này lại đang có nguy cơ đổ vỡ bởi khủng hoảng chính trị tại nước này sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9 năm ngoái - cuộc bầu cử mà cả Tổng thống Ashraf Ghani và cựu ngoại trưởng Afghanistan Abdullah Abdullah đều tuyên bố chiến thắng. 

Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban liệu có thể cứu vãn?

Ngày 29/2, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad và lãnh đạo Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã ký thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban tại Doha, Qatar

Sau khi được Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan tuyên bố chiến thắng, ông Ghani nhậm chức Tổng thống Afghanistan nhiệm kỳ 2 thì cũng là lúc ông Abdullah tuyên bố thành lập chính phủ của riêng mình. 

Chính thực trạng cùng một lúc tồn tại hai chính phủ khiến cho Kabul không thể thực hiện đàm phán với Taliban. Chính quyền Kabul và Taliban chưa thể khởi động đàm phán chính thức theo kế hoạch vì lý do Kabul chưa thể thống nhất trong việc cử phái đoàn đại diện tham gia đàm phán.

Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad, người đã dành phần lớn thời gian ở Kabul kể từ khi ký Thỏa thuận Mỹ-Taliban, đề nghị chính quyền Kabul nhanh chóng thả tù nhân, điều kiện mà Taliban đã đặt ra cho các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, mâu thuẫn chính trị giữa bộ đôi Ghani - Abdullah khiến chính quyền Kabul không thể đưa ra các quyết định cuối cùng cho vấn đề này, khiến Thoả thuận hoà bình Mỹ-Taliban đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Tại Kabul, ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định sự bất đồng giữa ông Ghani và ông Abdullah đã làm tổn hại đến quan hệ Mỹ-Afghanistan, đặc biệt là làm mất thể diện của Washington trên trường quốc tế.

Tại cuộc gặp gỡ riêng với Tổng thống Ghani, ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo Mỹ đã cắt giảm 1 tỷ USD viện trợ cho Afghanistan và sẽ tiếp tục cắt khoản viện trợ tương tự trong năm 2021, nếu Afganistan không thể giải quyết được mâu thuẫn chính trị nội bộ.

Sau chuyến thăm này, ông Pompeo cũng tới căn cứ không quân al-Udeid ở Doha (Qatar) để gặp gỡ đại diện của Taliban. Chuyến thăm được cho là một nỗ lực cứu vãn thỏa thuận với Taliban của quan chức Nhà Trắng, đồng thời hối thúc lực lượng này thực hiện các nghĩa vụ về trao đổi tù nhân.

Những bất ổn chính trị tại Kabul khiến Washington không thể rút khỏi cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ một cách êm thấm.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Kabul không phải vừa mới xảy ra. Tổng thống Ghani và đối thủ chính trị Abdullah không phải mới này sinh mâu thuẫn. Và Mỹ đã nhận diện được mối đe dọa này nhưng không thể sắp đặt một bàn cờ chính trị hoàn hảo tại Afghanistan. 

Nguyên nhân sâu xa được giới phân tích cho rằng xuất phát từ các nước cờ của Tổng thống Nga Putin. Theo giới phân tích, chiến lược không liên kết với đồng minh của Putin đã khiến Washington không dám hỗ trợ các lực lượng thân Mỹ xây dựng chủ thuyết chính trị tại các bàn cờ mới, hậu quả là Mỹ không thể hoàn thành bất cứ ván cờ nào thời hậu Xô Viết, trong đó có Afghanistan.

Việc Washington mạnh tay với Kabul lần này cho thấy sự sốt sắng đối với kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Mỹ đã sa lầy vào một cuộc chiến mệt mỏi kéo dài suốt 18 năm qua và muốn rời khỏi đây càng nhanh càng tốt, đặc biệt là thời điểm tháng 11 bầu cử đang tới gần.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến việc ổn định chính trị ở Afghanistan cũng như sẽ có thể khiến nước này tiếp tục trở thành "mớ hỗn độn" để các phần tử khủng bố thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xâm chiếm.

Bất chấp các cảnh báo từ giới quan sát và thậm chí Mỹ cũng hoàn toàn hiểu được thực tế này, quân đội Mỹ đã rút một phần lực lượng trong kế hoạch 14 tháng rút toàn bộ đội ngũ quân sự khỏi Afghanistan.

Tất cả những gì Washington đã thỏa thuận với Taliban chỉ là "tuân thủ đúng cam kết" cho một giải pháp hòa bình ở Afghanistan. Thỏa thuận này vô hình chung mang lại sự hợp pháp cho Taliban.

Trong khi đó, chính quyền ở Kabul đang đau đầu từ việc mâu thuẫn chính trị với Abdullah Abdullah, nay lại thêm sức ép với thỏa thuận Taliban và đe dọa rút viện trợ của Mỹ.

Sự mạnh tay trong lần cắt giảm viện trợ với Afghanistan có thể khiến cho Kabul trở nên yếu thế hơn nữa trong cuộc đàm phán với lực lượng phiến quân, dẫu đây là một chính quyền hợp pháp được sự công nhận của Liên hợp quốc.

Có lẽ chính vì thế ngày 27/3, Afganistan đã thành lập đoàn đàm phán trực tiếp với phiến quân Taliban để tìm cách tháo gỡ cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia này cũng như để tránh phải nhận những đòn trừng phạt về kinh tế từ Mỹ.

Trâm Anh