Tin vắn thế giới ngày 23/3: Quốc hội Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp
Thế giới - Ngày đăng : 07:56, 23/03/2020
Quốc hội Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp
Hôm 22/3, văn bản ban bố tình trạng khẩn cấp đã được Hạ viện Pháp thông qua sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện trước đó.
Việc Quốc hội Pháp thông qua văn bản luật này sẽ cho phép chính phủ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, trong đó có hỗ trợ các công ty cũng như quyết định trì hoãn vòng bầu cử địa phương thứ hai tại nước này cho đến tháng 6.
Văn bản luật ban bố "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe" này dựa trên quy định pháp luật đã được thống nhất sau khi xẩy ra các cuộc tấn công khủng bố năm 2015 tại Pháp. Tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tháng kể từ thời điểm được thông qua và có thể gia hạn.
Phun thuốc phòng chống dịch Covid-19
Số ca nhiễm toàn cầu vượt 300.000
Theo thống kê của đại học Johns Hopkins (Mỹ), con số ca nhiễm virus corona mới trên phạm vi toàn cầu đã lên tới hơn 303.000. Tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì mầm bệnh là 12.944. Những nước ghi nhận nhiều ca Covid-19 nhất lần lượt là Trung Quốc, Italia và Tây Ban Nha. Trong khi đó, quốc gia có nhiều ca tử vong nhất hiện là Italia, Trung Quốc và Iran.
Tâm chấn của dịch hiện đang ở khu vực châu Âu, khi châu lục này đã có tổng số ca nhiễm vượt Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát hồi cuối năm ngoái. Dịch Covid-19 cũng đã xuất hiện và lây lan ở 38 nước châu Phi, với hơn 1.000 bệnh nhân và 23 ca tử vong. Nhiều quốc gia châu Phi cho biết họ đang học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc và các nước khác bằng cách nhanh chóng hạn chế việc đi lại
Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã lây nhiễm hơn 3.460 người trên khắp Đông Nam Á, với 86 người chết. Hơn một nửa số ca tử vong tập trung vào đất nước có dân số lớn thứ 4 thế giới là Indonesia.
Thủ tướng Đức phải cách ly do lo ngại mắc Covid-19
Nữ Thủ tướng Đức phải thực hiện cách ly do hôm 20/3 có tiếp xúc trực tiếp với một bác sỹ vừa bị phát hiện dương tính với virus Sars-CoV2. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Thủ tướng Angela Merkel vẫn trong tình trạng sức khoẻ tốt và chưa có bất cứ triệu chứng nào nhiễm bệnh.
Chỉ ít giờ trước khi thông tin về việc bà Merkel phải tự cách ly được công bố, đích thân nữ Thủ tướng Đức đã tổ chức một cuộc họp báo để thông tin về tình hình đại dịch Covid-19 tại Đức và các biện pháp mới mà chính phủ Đức đưa ra. Một trong các biện pháp mới đáng chú ý nhất, đó là tại các nơi công cộng, công dân Đức chỉ được phép tụ tập không quá 2 người, nếu không cùng gia đình.
Chống đại dịch Covid-19, Mỹ triển khai Vệ binh Quốc gia ở 3 bang
Ông Trump hôm Chủ Nhật (22/3) cho biết đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia ở bang California, New York và Washington để chiến đấu với sự lây lan của Covid-19. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng việc liên bang điều động lực lượng vệ binh không phải là quân luật. Các thống đốc bang sẽ giữ quyền chỉ huy lực lượng này, và Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang sẽ chi trả chi phí hoạt động chống dịch.
Ngoài chính quyền liên bang, chính quyền địa phương đã huy động ít nhất 7.300 thành viên Vệ binh Quốc gia tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 tại tất cả 50 bang ở Mỹ, cùng với thủ đô Washington D.C. và Puerto Rico. Khẩu trang N95, quần áo bảo hộ và giường bệnh cũng được cung cấp bổ sung cho những nơi cần nhất, ông Trump nói. Tổng thống Trump đã phê duyệt tuyên bố thảm họa cho New York và Washington, và tuyên bố cho California sẽ sớm được phê duyệt.
Ca "nhiễm rồi không nhiễm" virus corona ở Vũ Hán gây lo ngại
Ngày 21/3 là ngày thứ 3 liên tiếp Trung Quốc không có ca lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viên hô hấp cấp (Covid-19) trong nước. Tuy nhiên, có 1 trường hợp 62 tuổi ở tâm dịch Vũ Hán, Hồ Bắc 3 lần xét nghiệm cho kết quả dương tính rồi lại âm tính mà không có triệu chứng bệnh. Chính quyền đã thông báo về trường hợp này sau khi mạng xã hội cảnh báo rằng khu dân cư Lishui Kangcheng - nơi người đàn ông này sống - có ca bị xác nhận nhiễm virus corona.
Việc này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng người mang mầm bệnh nhưng không được tính vào số liệu chính thức. Theo quy định của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, họ chỉ ghi nhận ca mắc Covid-19 nếu như người mang virus corona biểu hiện triệu chứng. Một giới chức cho biết có thể sẽ có thêm trường hợp người mang virus nhưng không có triệu chứng hoặc có thời gian ủ bệnh lâu và “chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản này”.
Mỹ thay đổi chiến thuật xét nghiệm SARS-CoV-2, Anh đề nghị 1,5 triệu người ở nhà ít nhất 3 tháng
Mỹ đã trở thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 gần 27.000 tại toàn bộ 50 bang của nước này và ít nhất 344 ca đã chết vì mầm bệnh. Trước đó, giới chức y tế New York và California từ bỏ xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, khi thừa nhận không còn hy vọng khống chế được số ca nhiễm Covid-19 và tình trạng thiếu thiết bị y tế.
Trong khi đó Chính phủ Anh hôm 22/3 đề nghị 1,5 triệu người sức khỏe kém, được cho là có nguy cơ mắc Covid-19 cao nhất, nên ở nhà ít nhất 12 tuần, đồng thời yêu cầu "các đối tượng cực kỳ dễ bị tổn thương" thực hiện thêm nhiều biện pháp để bảo vệ bản thân. Từ hôm 20/3, Anh cũng đã yêu cầu tất cả các hàng quán và trung tâm giải trí đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng bán hàng hóa và thực phẩm.
Mỹ đề nghị giúp đỡ chống dịch Covid-19, Iran từ chối
Trong một phát biểu trên truyền hình, lãnh tụ tối cao Khamenei cho biết, Mỹ đã một vài lần đề nghị giúp đỡ Iran trong việc chống lại đại dịch. Theo ông, lời đề nghị này khá kỳ lạ trong khi Mỹ vẫn đang phải chật vật chống lại dịch Covid-19 tại nước mình. Theo lãnh tụ tối cao Iran, nước này có khả năng khống chế bất kỳ đại dịch nào bao gồm cả dịch Covid-19.
Hiện Iran là một trong những quốc gia bên ngoài tâm dịch Trung Quốc chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 . Ngày 21/3, giới chức Iran thông báo số ca tử vong vì nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại quốc gia này tăng thêm 123 ca, lên 1.556 ca trong khi tổng số ca nhiễm bệnh hiện đã vượt mốc 20.000 ca
Đề xuất lệnh ngừng bắn nhân đạo tại Libya để ngăn dịch Covid-19
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 21/3 đã hoan nghênh những phản hồi tích cực từ các bên đối địch ở Libya là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA), đối với những lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa lúc gia tăng nhiều lo ngại liên quan đến dịch Covid-19.
Trước đó, một số quốc gia Arab hôm 17/3 đã kêu gọi các bên đối địch ở Libya chấm dứt giao tranh để tạo điều kiện cho nước này đối phó với sự đe dọa từ dịch bệnh Covid-19. LNA ngày 21/3 đã tiếp bước GNA trong việc hoan nghênh lời kêu gọi tạm dừng giao tranh để cho phép Libya tập trung giải quyết mối hiểm họa từ virus SARS-CoV-2. Để đối phó với đại dịch Covid-19, cả GNA và LNA đều cam kết cung cấp tài chính cho các cơ quan y tế địa phương, đồng thời đóng cửa các bến cảng và sân bay.
Bolivia: Hoãn bầu cử tổng thống vô thời hạn
Ngày 21-3, Tòa án Bầu cử tối cao Bolivia (TSE) đã quyết định lùi vô thời hạn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến tổ chức vào ngày 3-5 tới. Thông báo của TSE cho biết sẽ thúc đẩy một cuộc đối thoại toàn diện và đa dạng với tất cả các tổ chức chính trị tham gia vào tiến trình bầu cử để xác định một thời điểm mới cho cuộc tổng tuyển cử trong năm 2020. TSE cũng gợi ý một số tiêu chí cơ bản cho việc hoãn ngày bầu cử, trong đó nhấn mạnh cam kết không tạo thuận lợi cũng như gây bất lợi cho bất kỳ ứng cử viên nào.
Cuộc bầu cử tổng thống mới được chính quyền lâm thời Bolivia kêu gọi tổ chức sau khi kết quả cuộc bầu cử ngày 20/10/2019 bị hủy bỏ sau những tố cáo về những dấu hiệu bất thường đem lại lợi thế cho tổng thống lúc bấy giờ là ông Evo Morales, người sau đó buộc phải từ chức do sức ép của phe đối lập, cùng với quân đội và cảnh sát. Ông Morales, hiện đang tị nạn tại Argentina, cũng tố cáo đó là một âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính quyền hợp hiến.