Công ty Concord kiện Mỹ vì bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016
Thế giới - Ngày đăng : 19:01, 18/03/2020
Chủ sở hữu của Concord là Yevgeny Viktorovich Prigozhin - một doanh nhân người Nga có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Công ty quản lý và tư vấn Concord bị cáo buộc tài trợ cho một hoạt động tuyên truyền có lợi cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Lẽ ra vụ án được đưa ra xét xử vào tháng tới, nhưng hôm thứ Hai (16/3) đã bị một Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ bác bỏ.
Concord đã nhận định việc bác bỏ vụ kiện là một chiến thắng và nói rằng điều đó là bằng chứng cho thấy vụ việc dựa trên những cáo buộc dối trá nhằm đổ lỗi cho Nga về vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ. Đồng thời, Concord cho biết đang chuẩn bị một vụ kiện đòi Hoa Kỳ bồi thường 50 tỷ đô vì đã truy tố và trừng phạt bất hợp pháp.
Concord và Giám đốc điều hành của công ty là Evgeny Prigozhin đều bị buộc tội vào năm 2018, cùng với 12 cá nhân và 2 pháp nhân khác, với âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Chỉ vài tuần trước khi phiên tòa bắt đầu, Bộ Tư pháp tuyên bố đã rút bản cáo trạng tám tội danh của Công ty tư vấn và quản lý Concord, một công ty thuộc sở hữu của đồng minh thân cận Putin Yevgeniy Prigozhin.
Vụ án cáo buộc Concord là một phần của bản cáo trạng chống lại 13 cá nhân và ba công ty Nga - một trong những kết quả của cuộc điều tra kéo dài 22 tháng về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 do luật sư đặc biệt Robert Mueller chỉ đạo.
Luật sư Mueller buộc tội Cơ quan nghiên cứu Internet mà Concord tài trợ đã tích cực đưa thông tin sai lệch lên phương tiện truyền thông xã hội thông qua các tài khoản giả gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ để giúp ông Donald Trump giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.
Giống như Mueller, các chỉ huy tình báo Hoa Kỳ cũng cho rằng Concord đã giúp ông Trump và làm tổn thương đối thủ đảng Dân chủ của ông là bà Hillary Clinton.
Trong một hồ sơ tại Tòa án quận liên bang Washington, Bộ Tư pháp nói rằng các chiến thuật của Concord trong việc cố gắng sử dụng luật pháp và thủ tục tòa án của Hoa Kỳ để loại bỏ thông tin tình báo liên quan đến bằng chứng chống lại nó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. "Chính phủ đã kết luận rằng các thủ tục tố tụng tiếp theo đối với Concord, một Công ty Nga không có mặt ở Hoa Kỳ và không thể bị phạt trong trường hợp bị kết án, không thúc đẩy lợi ích của công lý cũng như an ninh quốc gia", Bộ Tư pháp cho biết.
Concord là công ty duy nhất trong số 25 người Nga và 3 công ty Nga bị Mueller buộc tội được đưa ra xét xử. Những cá nhân và tổ chức còn lại được coi là ngoài tầm với của luật pháp Hoa Kỳ, nhưng các cáo buộc chống lại họ, bao gồm cả chủ sở hữu của Concord là Yevgeny Viktorovich Prigozhin - một doanh nhân người Nga có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin - vẫn được giữ nguyên.
Bộ Tư pháp cho biết, những thay đổi quy tắc gần đây liên quan đến bằng chứng dựa trên thông tin tình báo được phân loại của Hoa Kỳ khiến cho việc tiến hành vụ án trở nên khó khăn hơn mà không làm lộ bí mật.