Tin vắn thế giới ngày 22/2: Người khỏi bệnh vẫn có thể lây truyền Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 07:55, 22/02/2020
Chuyên gia Trung Quốc cho biết người khỏi bệnh vẫn có thể lây truyền Covid-19
Ông Zhao Jianping, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp và đang đứng đầu một nhóm chuyên gia hỗ trợ công tác chống Covid-19 ở Hồ Bắc, nói với tạp chí Southern People Weekly rằng, Trung Quốc đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhân bình phục vẫn có dấu hiệu của virus corona thông qua các xét nghiệm. Các trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Canada.
“Điều này thật nguy hiểm”, ông Zhao nói. Ông Zhao đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay là một “cuộc chiến giằng co”, cho biết virus lây nhiễm “rất rất nhanh” và không nên lơ là bởi con số lây nhiễm có thể tăng trở lại. Ngày 20/2, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 118 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm mới tăng 889 ca, nâng số ca tử vong lên 2.236 ca và số ca nhiễm là 75.465. Tính trên thế giới, đến nay đã có 2.247 người tử vong và hơn 76.000 người nhiễm bệnh.
Hiện Iran là nước có số ca tử vong do virus corona cao nhất sau Trung Quốc
Iraq đóng cửa biên giới với Iran để phòng dịch Covid-19
Bộ Nội vụ Iraq quyết định đình chỉ cấp thị thực du lịch cho những người đến từ Iran tại các cửa khẩu biên giới do lo ngại dịch Covid-19, đồng thời yêu công dân không tới Iran cho đến khi có thông báo mới.
Người Iraq hiện đang ở Iran được loại trừ khỏi lệnh cấm nhưng phải tuân thủ các quy định kiểm dịch và theo dõi trong 14 ngày. Trong khi đó, hãng hàng không Iraq cũng đã đình chỉ các chuyến bay đến Iran để đề phòng dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Các biện pháp của Iraq được đưa ra một ngày sau khi Hãng thông tấn Mehr của Iran đưa tin, hai người Iran đã chết sau khi bị nhiễm Covid-19 ở thành phố Qom. Sau đó, Bộ Y tế Iran thông báo có thêm 3 trường hợp nhiễm mới. Những người này là người Iran cư trú tại Qom và một trong những người nhiễm bệnh đã đến thăm thành phố Arak.
Tất cả các trường học tại Qom hiện đã đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh.
Hàn Quốc xác nhận ca tử vong thứ hai do nhiễm Covid-19, tổng số người nhiễm lên đến 209
Ngày 21/2, Hàn Quốc đã chuyển sang chế độ khẩn cấp y tế sau khi xác nhận thêm 104 trường hợp nhiễm Covid-19, trở thành quốc gia nhiễm bệnh nhiều nhất, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày 21/2, Hàn Quốc cũng xác nhận trường hợp thứ hai tử vong do nhiễm Covid-19 là một phụ nữ 54 tuổi, sau ca tử vong đầu tiên là người đàn ông hơn 60 tuổi 1 ngày trước đó.
Tổng thống Moon Jae-in đã mô tả tình huống này là nghiêm trọng và các nhà chức trách cho biết họ dự kiến sẽ có nhiều ca nhiễm bệnh hơn vào thời gian tới.
Tướng Haftar ra điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ để có lệnh ngừng bắn
Hãng thông tấn RIA đưa tin, Tướng Khalifa Haftar, chỉ huy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã đưa ra điều kiện để có lệnh ngừng bắn với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận. "Lệnh ngừng bắn sẽ là kết quả của việc một vài điều kiện được hoàn thành... các lính đánh thuê Syria và Thổ Nhĩ Kỳ rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ ngừng cung cấp vũ khí cho Tripoli và sự loại bỏ các nhóm khủng bố tại Tripoli", Tướng Haftar nói.
Hôm 18/2, GNA đã ngừng các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm chấm dứt xung đột về Tripoli sau khi LNA tấn công cảng của Thủ đô, khiến 3 người thiệt mạng và suýt đánh trúng một tàu chở khí đốt dễ nổ". Đến sáng nay (21/2), Liên hợp quốc thông báo, các bên tham chiến tại Libya đã đồng ý nối lại đàm phán ở Geneva (Thụy Sỹ).
Các nước Mekong kêu gọi đập Xayaburi chia sẻ thông tin
Đại diện các nước hạ lưu Mekong kêu gọi công ty vận hành đập thuỷ điện Xayaburi ở Lào chia sẻ dữ liệu hoạt động để có quy hoạch chung tốt hơn. Ủy hội sông Mekong (MRC) hôm qua 20/2 cho biết các nước thành viên MRC đã đưa ra đề nghị này với Công ty thủy điện Xayaburi, đơn vị vận hành thuỷ điện Xayaburi, sau chuyến thăm đập vào đầu tháng 2/2020.
Đập thuỷ điện Xayaburi ở phía bắc Lào là công trình thuỷ điện đầu tiên trên dòng chính sông Mekong ở hạ nguồn với công suất 1.260 MW. Phía Xayaburi cho biết đập "không trữ nước nên không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mekong". Tuy nhiên, Patchara Jaturakomol, nhà nghiên cứu của Đại học Kasetsart, Thái Lan, nghi ngờ đập "có trữ nước" khi công ty vận hành không chia sẻ dữ liệu về dòng chảy với các nước.
Trung Quốc điều động đội quân vịt tiêu diệt hơn 400 tỷ con châu chấu nơi biên giới
Hàng trăm nghìn “binh sĩ” vịt đã được chính phủ Trung Quốc điều động, chịu trách nhiệm tiêu diệt đàn châu chấu 400 tỷ con đang lăm le tràn vào đất nước, phá hoại mùa màng. Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội Twitter, đoạn clip ghi lại cảnh tượng ra quân khí thế này đã thu hút hơn 347.000 lượt xem cùng hàng nghìn bình luận của cư dân mạng. Nhiều người dùng mạng không ngớt lời khen phương pháp của chính phủ Trung Quốc rất sáng tạo, trong khi số khác tỏ ra quan ngại về khả năng diệt gọn đàn châu chấu của “đội quân” kỳ lạ này.
Lãnh đạo 3 nước Nga, Đức và Pháp tổ chức thảo luận về tình hình Syria qua điện thoại
Theo điện Kremlin, các nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đặc biệt chú ý đến tình hình ở Idlib. Cụ thể, ông Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải vô hiệu hóa mối đe dọa khủng bố, tuân thủ các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Về phần mình, ông Macron và bà Merkel tuyên bố sẵn sàng góp phần giảm căng thẳng ở Idlib.
Các bên cũng khẳng định tầm quan trọng trong việc ngăn chặn hậu quả của hành vi vô nhân đạo đối với dân chúng. Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cho biết, họ sẵn sàng tổ chức một cuộc họp chung với ông chủ Điện Kremlin Putin và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về tình hình ở Syria.
Trong cuộc trò chuyện, các nhà lãnh đạo của ba nước cũng ủng hộ việc tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Libya và nối lại đối thoại theo các quyết định của Hội nghị Berlin.